Khi bạn đi vào nông thôn nước Cộng hòa nhân dân Triều Tiên, bạn sẽ thấy một phong cảnh rất tươi đẹp: Những đồng lúa bát ngát vừa chín, trông như một tấm thảm vàng to rộng mênh mông. Những đám rau tươi mơn mởn. Những vườn cây ăn quả xùm xòa. Những con đường đi ngay ngắn, phẳng phiu. Những ngôi nhà mới xây sạch sẽ, gọn ghẽ. Bạn sẽ thấy bà con nông dân đang vui vẻ cần cù lao động. Các em bé béo đỏ đang tung tăng cắp sách đến nhà trường... Bạn không ngờ rằng trước đây dăm năm, làng này cũng như nhiều làng khác ở Bắc Triều Tiên đã bị giặc Mỹ đốt trụi, phá trụi.

Từ ngày giải phóng khỏi ách thực dân Nhật Bản, ở miền Bắc, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Triều Tiên thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, cải cách ruộng đất đã được thi hành. Nông dân lao động được chia 980.000 mẫu tây ruộng đất. Pháp luật cấm bán, cấm hoặc cho thuê những ruộng đất đã được chia. Nông dân nào không cày cấy được, thì phải giao lại ruộng đất được chia cho Ủy ban hành chính địa phương để cấp cho những bần nông khác cày.

Đảng và Chính phủ đã thi hành nhiều việc để cải thiện kinh tế nông thôn, nâng cao dần đời sống vật chất và văn hóa của nông dân. So với năm 1946, sản lượng lương thực năm 1949 đã tăng 40%, số trâu bò tăng 67%[1].

Để lãnh đạo và giúp đỡ nông dân tăng gia sản xuất, Đảng và Chính phủ đã mở những nông trường quốc doanh và trạm máy cày.

Công việc đang tiến tới, thì Bắc Triều Tiên bị đế quốc Mỹ xâm lược. Năm 1950, quân đội đế quốc Mỹ và các nước phe Mỹ thình lình tiến công Bắc Triều Tiên. Trong ba năm trường, riêng đế quốc Mỹ đã dùng 1 phần 3 lục quân, 1 phần 5 không quân và đại bộ phận hải quân của chúng với 73 triệu tấn vũ khí đạn dược, và đã tiêu phí hơn 20 nghìn triệu đồng đôla để đánh nhau với quân đội và nhân dân nước Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên. Trong ba năm ròng rã suốt ngày, suốt đêm chúng đã dội bom đạn xuống thành phố và làng mạc Triều Tiên. Nhưng trước lòng nồng nàn yêu nước và sức kháng chiến anh dũng của quân và dân Triều Tiên, với sự giúp đỡ to lớn của quân tình nguyện Trung Quốc, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của Mỹ đã thất bại nhục nhã.

Cuộc kháng chiến thắng lợi vẻ vang của nhân dân Triều Tiên lại chứng tỏ một lần nữa rằng đế quốc Mỹ chỉ là một con hổ giấy.

Trong ba năm kháng chiến, nông thôn bị giặc Mỹ đốt phá tan tành. Hàng vạn nông dân bị hy sinh. Hơn 460.000 mẫu tây ruộng đất bị bỏ hoang. Hầu hết công trình thủy lợi bị phá hoại. Trâu bò bị giết chết và nông cụ bị hư hỏng gần hết. Sản lượng lương thực bị sút kém rất nhiều.

Để chống lại tai nạn ấy, Đảng và Chính phủ thì lập thêm nông trường trồng trọt, chăn nuôi, và những trạm máy cày, nông dân thì bắt đầu xây dựng những tổ đổi công để giúp nhau tiếp tục sản xuất.

Do sự cố gắng của mình và sự giúp đỡ của các nước anh em, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc, công việc này đã có kết quả: một mặt thì cung cấp lương thực cho bộ đội ở trước mặt trận, mặt khác thì giúp cho những người dân lánh nạn có công việc làm ăn bằng cách vỡ ruộng hoang.

Trong thời kỳ kháng chiến, nông thôn thiếu sức lao động và trâu bò. Đảng và Chính phủ giúp họ về vật chất và hướng dẫn họ lập những tổ đổi công dưới nhiều hình thức: đổi công người làm, đổi công trâu bò, đổi công từng vụ hoặc đổi công thường xuyên, đổi công làm ruộng, hoặc làm nghề phụ... Ở Triều Tiên, tổ đổi công từng việc gọi là hợp tác xã cấp một, tổ đổi công thường xuyên có bình công chấm điểm gọi là hợp tác xã cấp hai. Hợp tác xã hình thức cao hơn hết, gọi là hợp tác xã cấp ba.

Tháng 7-1953, cả miền Bắc Triều Tiên mới có 102 hợp tác xã nông nghiệp và 72 hợp tác xã nghề phụ, gồm có 2.400 hộ. Đó là những hợp tác xã thí điểm, trong số đó tỉnh Giang Nguyên có 80 hợp tác xã. Vì từ năm 1951, nông dân ở đây đã tổ chức những “đội đổi công gần mặt trận”; nay những đội ấy trở nên hợp tác xã. Mỗi đội có từ 50 đến 200 đội viên, hầu hết là thanh niên, vì gia đình họ đều tản cư về hậu phương. Họ vừa sản xuất, vừa giúp đỡ bộ đội.

Hợp tác xã ở quận Kim Hóa do anh hùng lao động Lưu Quang Liệt phụ trách cũng phát triển từ một “đội đổi công” như thế. Có thể nói rằng: các đội ấy là mầm mống của hợp tác xã nông nghiệp Triều Tiên. Nhiều hợp tác xã ở các tỉnh thì phát triển từ những tổ đổi công trâu bò hoặc tổ đổi công người trong thời kỳ kháng chiến.

Hòa bình trở lại, nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng và Chính phủ là vừa phát triển công nghiệp nặng, vừa phát triển mau chóng công nghiệp nhẹ và nông nghiệp để hàn gắn những vết thương chiến tranh gây ra và để nâng cao dần đời sống của nhân dân.

Phát triển nông nghiệp là cấp bách nhất để cung cấp lương thực cho nhân dân và nguyên liệu cho công nghiệp, đồng thời để giữ sự cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp.

Những nhà máy dệt vải, dệt lụa, nhà máy làm thịt đều cần nông nghiệp cung cấp nguyên liệu càng ngày càng nhiều. Nhưng lúc đó nông nghiệp bị chiến tranh tàn phá rất nặng, số người bị đói rách rất nhiều.

Nếu nông dân cứ làm ăn riêng lẻ như cũ, thì nông nghiệp cũng như công nghiệp không thể phát triển, đời sống của nhân dân không thể nâng cao. Vậy chỉ có một cách giải quyết: là hợp tác hóa nông thôn.

Tháng 8-1953, Trung ương Đảng quyết định kế hoạch hợp tác hóa để xây dựng nông thôn tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.

Như Lênin đã nói: “Chúng ta sống ở một nước tiểu nông như nước Nga, thì cơ sở kinh tế tư bản kiên cố hơn cơ sở kinh tế cộng sản... Kẻ địch bên trong dựa vào kinh tế tiểu quy mô ấy”. Ở Triều Tiên cũng vậy.

Bọn địa chủ đã bị đánh đổ nhưng một số vẫn mong ngóc đầu lên, phú nông đã bị hạn chế, nhưng vẫn còn là một giai cấp. Sau cải cách ruộng đất, một số bần nông trở nên trung nông khá giả, họ đã cho vay nợ lãi, thuê người làm, tự mình không lao động, thậm chí có người đầu cơ tích trữ. Tuy có luật cấm bán ruộng và cho thuê ruộng, nhưng kinh tế nông thôn đang còn riêng lẻ thì không thể chấm dứt sự phân hóa giữa quần chúng nông dân. “Và những kẻ ưa chế độ người bóc lột người, ắt là những kẻ hoan nghênh Lý Thừa Vãn” (Lời của đồng chí Kim Nhật Thành).

Sau cải cách ruộng đất (năm 1946), ở Bắc Triều Tiên có độ 2 đến 3% trong tổng số nông hộ là phú nông, họ có độ 3,2% trong tổng số ruộng đất, và 6,5% trong tổng số sản xuất nông nghiệp.

Vì bị tàn phá trong thời kỳ chiến tranh, kinh tế phú nông đã sa sút hẳn, chỉ còn độ 0,6%. Tuy vậy lợi dụng tình hình khó khăn chung, phú nông quay ra bóc lột nông dân bằng những cách khác, như đầu cơ tích trữ...

Ba năm chiến tranh khốc liệt, đã làm cho nông thôn thiếu sức lao động, thiếu trâu bò, thiếu nông cụ. Vì vậy nhiều nông dân không thể tự mình cày cấy được. Chỉ có một cách giải quyết những khó khăn ấy: là phải tổ chức hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp còn có một ý nghĩa quan trọng nữa, tức là nó sẽ củng cố khối liên minh giữa công nhân và nông dân. Đồng thời nó giúp đẩy mạnh việc giáo dục và cải tạo giai cấp tư sản dân tộc theo chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ chiến tranh, nhất là ở vùng biển và vùng núi số bần nông tăng lên đến 30% trong tổng số nông hộ. Cho nên việc hợp tác hóa lại càng cấp bách để cải thiện kinh tế của bần nông.

Một vấn đề quan trọng nữa, là muốn đấu tranh thống nhất nước nhà thì chế độ kinh tế dân chủ ở miền Bắc, nhất là kinh tế nông nghiệp, phải phát triển hơn hẳn ở miền Nam.

Tháng 11-1954, Trung ương Đảng quy định: Nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt của nông nghiệp là hợp tác hóa, đưa nông thôn tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời phát triển công nghiệp. Đó là một cách đảm bảo chắc chắn về vật chất trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình. Và khi đã thống nhất, nó sẽ giúp khôi phục kinh tế ở miền Nam hiện nay đang bị kiệt quệ.

Chính quyền đế quốc Mỹ và Lý Thừa Vãn ở miền Nam cũng “cải cách ruộng đất”. Chúng bán ruộng của địa chủ cho nông dân, mỗi năm nông dân phải trả một số tiền bằng 60 đến 70% trong số thu hoạch của họ. Thế là nông dân trở thành người mắc nợ, mà bọn Mỹ - Lý trở nên địa chủ bóc lột họ. Nếu ở miền Bắc, nông nghiệp phát triển mau chóng và đời sống nông dân ngày càng ấm no, thì chắc chắn là nông dân miền Nam sẽ càng hăng hái ủng hộ Đảng Lao động và Chính phủ dân chủ miền Bắc. Vì lẽ đó, hợp tác hóa nông nghiệp là vừa rất quan trọng cho kinh tế, vừa rất quan trọng cho chính trị.

Cải cách ruộng đất là bước đầu trong cuộc cách mạng nông thôn. Hợp tác hóa nông nghiệp là bước cách mạng thứ hai. Nó sẽ có nhiều khó khăn cần phải khắc phục; vì nông dân nói chung còn ít kinh nghiệm về tổ chức, và kỹ thuật có thấp kém.

Trung ương Đảng khẳng định: Trước phải tổ chức những nơi thí nghiệm rồi phát triển dẫn đến những nơi khác. Ở miền núi và miền biển thì tổ chức những hợp tác xã thí nghiệm về chăn nuôi và nghề đánh cá.

Tháng 8-1953, Hội nghị Trung ương định tổ chức hợp tác xã nông nghiệp dưới nhiều hình thức, và trước hết phải dựa hẳn vào bần nông và những trung nông lớp dưới, vì đây là một cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn. Lúc đầu phải dùng nhiều hình thức khác nhau, vì:

- Sự giác ngộ của nông dân còn khác nhau, chưa đều.

- Sự yêu cầu của nông dân cũng khác nhau theo tình hình kinh tế và tập quán khác nhau ở mỗi địa phương.

- Những nơi nông dân có nhiều ruộng nhưng thiếu sức lao động, thì họ muốn đổi công, muốn ruộng nhiều thì được chia phần nhiều, hoặc muốn ai gặt ruộng của người nấy.

- Nơi nông dân có ít ruộng thì họ muốn hùn ruộng, và chia phần theo sức lao động.

- Cũng có nơi nông dân muốn chia phần theo số ruộng và sức lao động.

Tháng 1-1954, Trung ương chỉ thị cách tổ chức hợp tác xã tùy theo điều kiện thực tế từng vùng và theo nguyên tắc quy định. Lúc đó hợp tác xã có ba hình thức:

1- Tổ đổi công từng vụ. Công việc thì làm chung. Ruộng đất, trâu bò, nông cụ thì vẫn của riêng mỗi người. Họ có thể chung vốn để làm nghề phụ. Từ đó mà phát triển dần lên hợp tác xã cấp 2.

2- Tổ đổi công thường xuyên có bình công chấm điểm. Ruộng cày chung, nhưng tổ viên vẫn giữ quyền sở hữu. Tổ viên vẫn được giữ những cây ăn quả và một đám đất để trồng rau. Chia công theo từng hạng ruộng: ruộng chiêm hoặc ruộng mùa, ruộng tốt hay là ruộng xấu.

Trâu bò và nông cụ có thể dùng chung. Nếu xã viên nào đồng ý hùn cả trâu bò và nông cụ, thì “hợp tác xã” tùy theo giá mà trả tiền dần. Thóc giống, phân bón, thuế nông nghiệp... đều do tập thể chịu. Khi gặt hái xong, trừ những phí tổn ấy và một số nhất định để tích lũy cùng một số dùng vào việc văn hóa xã hội trong hợp tác xã - còn lại bao nhiêu thì chia theo số ruộng và ngày công.

Phân chia cho ruộng không được quá 20% tổng số thu hoạch (khi đã trừ các phí tổn chung).

Xã viên nào cả năm không làm được 120 ngày công, sẽ không được chia phân thu hoạch của ruộng mình, mà chỉ được chia theo số ngày công đã làm.

Nhưng nếu vì đau ốm hoặc vì việc bất trắc mà xã viên không làm được 120 ngày công, và nếu được các xã viên khác đồng ý, thì vẫn được chia phần cho ruộng.

5 đến 10% số thu hoạch sẽ để làm vốn tích lũy. 2 đến 3% dùng vào việc văn hóa xã hội.

Những khoản thu nhập do nghề phụ, thí dụ nghề chăn nuôi, thì trừ số phí tổn dùng vào nghề phụ, sẽ chia theo ngày công.

Hình thức tổ đổi công này cao hơn tổ đổi công từng vụ từng việc. Vì nó giải quyết được những mâu thuẫn như: Một số xã viên thường hăng hái làm cho ruộng của mình hơn làm cho ruộng của xã viên khác. Nó liên hệ chặt chẽ nông nghiệp với nghề phụ, làm cho nghề phụ dễ phát triển. Có thể tùy năng lực của mỗi xã viên để phân công một cách hợp lý hơn, làm cho năng suất lao động cao hơn, do đó mà tổ được củng cố hơn. Nó dễ thống nhất việc sử dụng ruộng đất của các xã viên một cách có kế hoạch hơn. Có thể cải thiện kỹ thuật, nâng cao năng suất, do đó mà tăng thêm khoản thu nhập của xã viên, nâng cao tinh thần hăng hái sản xuất của họ.

3- Hình thức thứ ba là hợp tác xã thật sự. Ruộng đất, trâu bò và nông cụ chủ yếu đều góp vào hợp tác xã. Trâu bò và nông cụ thì hợp tác xã mua, trả tiền dần. Công việc đồng áng do các xã viên cùng làm chung, và phối hợp với các nghề phụ. Gặt hái xong, trừ phí tổn cho hạt giống, phân bón, nông cụ, thủy nông, thuế khóa...; trừ 5 đến 10% để làm vốn tích lũy, 2 đến 3% cho văn hóa xã hội. - Còn lại bao nhiêu thì tính theo số ngày công mà chia cho các xã viên.

Các xã viên được giữ một đám vườn trồng rau và trồng cây ăn quả, và một số gia súc.

Hợp tác xã kiểu này tốt hơn hết, vì nó khuyến khích tinh thần hăng hái sản xuất của xã viên, nâng cao sản lượng, và có thể dùng những kinh nghiệm và những kỹ thuật tiên tiến.

Trung ương Đảng nhấn mạnh:

Muốn áp dụng hình thức nào cho thích hợp, thì trước hết phải dựa vào tình hình thực tế và trình độ giác ngộ của nông dân ở mỗi nơi; phải giữ vững nguyên tắc tự nguyện tự giác; phải từ hình thức thấp phát triển dần đến hình thức cao.

Phải tùy khả năng kinh doanh, tùy điều kiện ruộng đất và điều kiện kinh tế của mỗi nơi mà định khuôn khổ của hợp tác xã, không nên tổ chức nhỏ quá, vì nhỏ quá thì không phát triển được ưu điểm của hợp tác xã; không nên tổ chức quá to, vì quá to thì khó quản lý. Lúc đầu có thể tổ chức mỗi hợp tác xã ít nhất là 10 hộ, rồi phát triển thêm dần.

Những nơi đặc biệt, nông dân có trình độ chính trị cao, số cán bộ quản lý đủ và tốt, thì không nhất định phải bắt đầu từ hình thức thấp, mà có thể tổ chức theo hình thức cao, nhưng phải rất cẩn thận.

Quản lý phải dân chủ. Tổ chức sức lao động phải hợp lý. Tính ngày công phải chính xác. Kỷ luật lao động phải nghiêm. Phải quý trọng của công. Phân phối phải công bằng. Phải đẩy mạnh sản xuất và tăng khoản thu nhập cho xã viên...

- Tháng 7-1953 các tỉnh mới có 174 hợp tác xã nông nghiệp và nghề phụ.

- Tháng 3-1954 có 1.091 tổ đổi công thường xuyên và hợp tác xã gồm có 2 phần 3 tổng số nông hộ, và 1,7% tổng số ruộng đất. Bình quân mỗi tổ chức có 29 mẫu tây ruộng.

Để đảm bảo tính chất hợp pháp của các hợp tác xã và giúp cho họ định nội quy, Chính phủ đã ra sắc lệnh (năm 1954) đăng ký các hợp tác xã và ban bố những điều lệ chung cho các hợp tác xã.

Tiếp theo đó, Đảng và Chính phủ tổ chức những lớp huấn luyện cho cán bộ quản lý hợp tác xã. Đồng thời quy định sự giúp đỡ của Chính phủ về vật chất và kỹ thuật cho hợp tác xã, như lập trạm máy kéo, cho hợp tác xã vay tiền làm vốn,...

Để đảm bảo việc tăng gia sản xuất và cải thiện đời sống của xã viên, và để hợp tác xã phát triển một cách chắc chắn, Đảng ra sức củng cố sự lãnh đạo của Đảng ở nông thôn, trước hết là lãnh đạo các hợp tác xã.

Những biện pháp của Đảng và Chính phủ cộng với tinh thần hăng hái của cán bộ và nông dân, sự tổ chức sức lao động tiến bộ khá và kỹ thuật bước đầu được cải tiến, nghề phụ (đánh cá, chăn nuôi) được phát triển. So với nông dân riêng lẻ, các hợp tác xã đã tiết kiệm được 20 đến 30% sức lao động, và những hợp tác xã có chút ít máy móc đã tiết kiệm được 60% sức lao động để chuyển sang làm nghề phụ.

Sản lượng mỗi mẫu tây của hợp tác xã tăng hơn của nông dân riêng lẻ từ 10 đến 50%.

Do những kết quả ấy, nông dân đều thấy rõ con đường hợp tác hóa là thích hợp với lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của họ.

Hợp tác hóa là một cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng. Những nông dân còn lạc hậu và bọn phản động thường tung ra những luận điệu như: “Vào hợp tác xã thì mất hết ruộng, hết bò”. “Vào hợp tác xã thì phải làm đổ mồ hôi trôi nước mắt”. “Vào hợp tác xã thì mất cả tự do”. “Để xem, xã viên sẽ hóa ra người ăn mày hết”,...

Sự thật đã đánh tan những lời bậy bạ ấy.

Mặt khác, trên đã phát triển, hợp tác xã cũng có những thiếu sót, những khuyết điểm cần phải kịp thời sửa chữa, như:

Có nơi cán bộ mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh, không giữ vững nguyên tắc tự nguyện, tự giác.

Có những cán bộ nóng vội, ham tổ chức hợp tác xã quy mô to và hình thức cao, tuy điều kiện chưa đủ, kinh nghiệm còn thiếu.

Có những cán bộ thì tiêu cực, chỉ theo đuôi quần chúng. Nông dân đủ điều kiện để tổ chức hợp tác xã nhưng cán bộ lại chủ trương cứ giữ lấy tổ đổi công.

Có những khuyết điểm ấy là vì một số cán bộ máy móc, không thông suốt chính sách của Đảng, thiếu kinh nghiệm và không hiểu rõ sinh hoạt thực tế của mỗi nơi, không đi đúng đường lối quần chúng.

Nông dân cũng có khuyết điểm, như:

Không giữ đúng nguyên tắc mọi người đều có lợi. Không làm đúng điều lệ trong việc hợp tác hóa ruộng đất, trâu bò và nông cụ. Nơi thì cái gì cũng hợp tác hóa tuốt. Nơi thì làm một cách qua loa, hoặc định giá cho trâu bò và nông cụ không đúng mức.

Có hợp tác xã thì quản lý không khéo, không sát tình hình thực tế và khả năng của xã, bỏ vốn quá nhiều vào việc xây dựng nhà cửa hoặc mua máy móc chưa cần thiết.

Quản lý thiếu dân chủ. Tổ chức lao động không hợp lý.

Bình quân chủ nghĩa trong việc phân phối công việc và giá ngày công.

Quản lý của công không cẩn thận.

Để vốn tích lũy quá ít hoặc quá nhiều,...

Dưới sự săn sóc của Đảng, những khuyết điểm ấy đã được kịp thời sửa chữa.

Đến cuối năm 1954 đã tăng đến hơn 10.000 hợp tác xã và tổ đổi công, gồm hơn 33% tổng số nông hộ.

Có nhiều trung nông tiến bộ tham gia hợp tác xã, nhưng tuyệt đại đa số xã viên là bần nông. Trước kia, đại đa số trung nông có thái độ do dự, “chờ xem”. Nhưng sau vụ mùa năm 1954, thái độ của họ đã căn bản thay đổi, nhiều trung nông đã hăng hái xin vào hợp tác xã.

Tháng 11-1954, Trung ương Đảng tổng kết giai đoạn thí nghiệm vừa qua, và quyết định: Mở lớp huấn luyện cán bộ phụ trách hợp tác xã và tổ đổi công, đặt kế hoạch sản xuất năm 1955 cho các hợp tác xã,...

Tháng 1-1955, Đảng họp đại hội những anh hùng và chiến sĩ nông nghiệp cùng các chủ nhiệm hợp tác xã. Từ đó, phong trào hợp tác hóa bước lên một giai đoạn mới.

Trong lúc phong trào phát triển, lại nảy ra những khuyết điểm khác:

Một số cán bộ nóng vội, xa rời thực tế, dùng mệnh lệnh hoặc cách “đột kích” để tổ chức hợp tác xã. Tổ chức một cách ào ạt, bừa bãi. Không tùy theo tình hình và điều kiện thực tế và không giữ nguyên tắc tổ chức từ thấp đến cao. Thậm chí có thái độ khinh rẻ những nông dân đang làm ăn riêng lẻ, và phạm đến quyền lợi của họ.

Nông dân cũng có phạm khuyết điểm như:

- Những nông dân làm ăn khá giả chỉ muốn tổ chức riêng với nhau, không muốn nhận những nông dân nghèo vào hợp tác xã.

- Giữ phần đất riêng quá nhiều.

- Khi nhận xã viên vào hợp tác xã, chỉ nhận một số người của một hộ, mà không nhận cả gia đình họ.

- Đánh giá trâu bò và nông cụ quá đắt,...

- Thậm chí có nơi để những phần tử xấu lợi dụng cơ hội, giả làm hăng hái, len lỏi vào hợp tác xã; có đứa còn tranh giành được địa vị lãnh đạo.

Tháng 2-1955, Bộ Chính trị của Trung ương Đảng đã ra chỉ thị sửa chữa khuyết điểm nói trên. Bản chỉ thị nói: Phương châm của Đảng là hợp tác xã phải vừa phát triển vừa củng cố, chất lượng phải đi đôi với số lượng, chính trị phải đi đôi với kinh tế. Đưa kinh tế nông thôn lên chủ nghĩa xã hội phải tiến dần từng bước.

Nhờ kịp thời sửa chữa khuyết điểm sai lầm, từ đó phong trào hợp tác xã phát triển một cách khá vững chắc.

Tháng 6-1955, Trung ương quyết định tạm ngừng phát triển thêm hợp tác xã mới, để chú trọng tăng cường những hợp tác xã đã sẵn có. Lúc đó đã có hơn 11.500 tổ đổi công và hợp tác xã, gồm 44% tổng số nông hộ.

Sự phát triển mau chóng ấy đã đặt ra một vấn đề cấp bách, là ra sức củng cố và phát triển về mặt tổ chức và mặt kinh tế của những hợp tác xã đã có.

Để thực hiện phương châm ấy, Chính phủ đã quy định một loạt biện pháp: Sửa thuế nông nghiệp. Lập thêm trạm máy cày. Cho nông dân nghèo vay thóc để sản xuất... Động viên cán bộ và nhân viên các cơ quan giúp nông dân,...

Quyết định quan trọng nhất là về vấn đề phát triển thủy lợi để nâng cao sản lượng và mở rộng diện tích cày cấy. Từ quý III năm 1955, Nhà nước đã chi tiêu một tỷ đồng về công trình thủy lợi, nông dân thì ra sức làm tiểu và trung thủy lợi.

Đảng và Chính phủ cũng rất chú ý đến vấn đề phân hóa học, thuốc trừ sâu, cải tiến nông cụ.

Về mặt tổ chức, để giúp các hợp tác xã, Đảng và Chính phủ đã phái nhiều cán bộ tốt, những học sinh tốt nghiệp trường trung học và quân nhân phục viên về lao động ở nông thôn.

Để giúp các hợp tác xã phát triển chăn nuôi, nông trường quốc doanh đã bán rẻ cho họ nhiều trâu bò giống và gà vịt giống. Nhà nước đã giảm thuế cho những ruộng đất xấu, giảm nợ ngân hàng cho những nông dân quá nghèo.

Mậu dịch quốc doanh thì nâng cao giá cho những cây công nghiệp, và giảm giá phân hóa học,...

Đồng thời Chính phủ đã khôi phục lại hai xưởng làm phân hóa học mỗi năm sản xuất hơn 10 vạn tấn, mở thêm 45 trạm máy cày, khôi phục và mở rộng những xưởng làm nông cụ. Chính phủ còn phái mấy chục vạn quân nhân phục viên, cán bộ và học sinh về giúp nông dân.

Trong lúc giúp đỡ hợp tác xã về mặt tổ chức và kinh tế, Đảng ra sức đẩy mạnh việc giáo dục về tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần cảnh giác của cán bộ và xã viên. Củng cố chi bộ trong hợp tác xã, tất cả đảng viên phải làm gương mẫu, đầu tàu.

Hợp tác xã phát triển quá nhanh, không tránh khỏi sinh ra những hiện tượng sai lệch như: Có những nông dân bị động chứ không phải tự nguyện, tự giác mà vào hợp tác xã. Có những cán bộ nặng bệnh quan liêu độc đoán, làm cho xã viên kém tinh thần sản xuất. Kỷ luật lao động lỏng lẻo, kết quả là lãng phí sức lao động, công việc sản xuất không tốt.

Vì vậy, Đảng và Chính phủ (tháng 6-1955) đã động viên cán bộ tốt ở Trung ương và ở địa phương về tận mỗi nông thôn, ra sức giúp việc chỉnh đốn và xây dựng hợp tác xã suốt trong ba tháng. Nhờ đó các xã viên đã nâng cao tinh thần xã hội chủ nghĩa và nhiệt tình tham gia sản xuất. Những phần tử xấu đã bị thanh thải. Đồng thời cán bộ của Đảng và chính quyền ở địa phương đã học được cách lãnh đạo nông nghiệp để đẩy mạnh sản xuất.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong năm 1955, nông dân đã vỡ hoang được 2 vạn mẫu tây ruộng, tự mình làm được nhiều công trình tiểu và trung thủy lợi, tăng được nhiều gia súc và nông cụ.

Vụ mùa năm ấy, thu hoạch của hợp tác xã nhiều hơn 10% của nông dân riêng lẻ. Về lương thực, mỗi hộ xã viên tăng từ 15 đến 35%, về tiền mặt tăng gần gấp hai lần. Do kết quả ấy khuyến khích, số nông dân xin vào hợp tác xã càng ngày càng đông.

Ngoài việc chú ý lãnh đạo các hợp tác xã về công tác sản xuất cuối năm và chuẩn bị kế hoạch cho năm 1956, Đảng và Chính phủ lại phái hơn 8.000 cán bộ về nông thôn lao động ở các hợp tác xã suốt sáu tháng.

Nhưng các hợp tác xã phát triển không đều. Thí dụ: Mỗi ngày lao động, có xã mỗi xã viên được chia hơn 10 kilô thóc, có xã chỉ được chia một kilô rưỡi; về tiền mặt, có xã mỗi xã viên được chia 200 đồng, có xã hầu như không được chia tiền.

Sự khác nhau đó, tuy một phần do điều kiện kinh tế của mỗi xã, nhưng trước hết là do cách tổ chức kinh doanh tốt hay là kém. Như ở tỉnh Hoàng Hải Nam, ruộng của mỗi xã viên không phải là ít, nhưng năm 1955, vì quản lý kém, ở huyện ấy các xã viên được chia rất ít về thóc cũng như về tiền.

Tháng 12-1955, Trung ương Đảng tổng kết và phân tích kinh nghiệm phong trào hợp tác hóa trong cả năm, và chỉ rõ: phong trào năm đầu như thế là khá, nhưng đó chỉ là thành công bước đầu; nhiều hợp tác xã hãy còn những khuyết điểm cần được sửa chữa. Nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt là tiếp tục củng cố và phát triển những hợp tác xã đã có về mặt tổ chức và mặt kinh tế.

Trung ương nhấn mạnh rằng các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Chính phủ phải tăng cường hơn nữa việc lãnh đạo nông nghiệp, giúp đỡ hợp tác xã nâng cao hơn nữa sản lượng lương thực, phát triển hơn nữa nghề chăn nuôi, tơ tằm, đánh cá và các nghề phụ khác, nhằm tăng số thu nhập cho các xã viên. Tạm thời các hợp tác xã không nên định mức tích lũy quá nhiều, để cho mỗi xã viên được thu nhập nhiều hơn. Đối với việc phát triển thêm hợp tác xã, phương châm tổ chức là phải khẩn trương, hết sức thận trọng, hết sức tránh khuyết điểm “tả” và hữu. Những nơi chưa có hợp tác xã, khi tổ chức phải giữ vững nguyên tắc nông dân tự nguyện, tự giác; và khi tổ chức thì phải dựa hẳn vào những lực lượng cơ bản. Khi thu nạp xã viên mới, các hợp tác xã phải giữ vững nguyên tắc tự nguyện và đều có lợi, và thu nạp xã viên mới một cách thận trọng. Chờ hợp tác hóa một cách máy móc trâu bò và nông cụ của xã viên mới, phải tùy theo ý nguyện của họ hoặc quy vào xã hoặc theo nguyên tắc mọi người đều có lợi mà sử dụng, nhưng vẫn để cho họ có quyền sở hữu.

Từ đó, phong trào hợp tác hóa bước vào năm thứ hai. Nhờ có kinh nghiệm của năm đầu, công tác tổ chức hợp tác xã phát triển một cách khá thuận lợi. Từ tháng 5-1955 đến tháng 6-1956, số tổ đổi công và hợp tác xã từ 11.529 cái tăng đến 14.777 cái, gồm hơn 70% tổng số nông hộ. Hơn hai phần ba nông dân đã vào tổ đổi công và hợp tác xã và trở nên lực lượng chính của sản xuất nông nghiệp. Thế là nền tảng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế nông thôn là khá vững chắc.

Ở nhiều nơi, như tỉnh Bình An Nam, hầu hết nông dân đều vào hợp tác xã. Có 11 huyện hợp tác hóa hơn 90%.

Có một hiện tượng mới, là để làm ăn cho tiện lợi hơn, nhiều tổ đổi công đã tiến hành lập hợp tác xã, nhiều hợp tác xã nhỏ đã tự động nhập thành hợp tác xã vừa. Đồng thời có những hợp tác xã quá to thì chia thành vài hợp tác xã cho dễ quản lý.

Trung ương đã có chỉ thị: Đến vụ chiêm và vụ mùa, các hợp tác xã cần tổ chức những nơi gửi trẻ để phụ nữ được rảnh mà tham gia lao động. Thực hiện chỉ thị ấy cuối tháng 6-1956, các hợp tác xã đã tổ chức được 950 nơi gửi trẻ thường xuyên và hơn 2.000 nơi gửi trẻ từng mùa.

Đầu năm 1956, Quốc hội họp, và sau đó, Trung ương mở cuộc đại hội các cán bộ tích cực trong việc quản lý hợp tác xã. Hai cuộc hội họp ấy đã đẩy mạnh thêm phong trào tăng gia sản xuất của các hợp tác xã. Do đề nghị của Trung ương Đảng, Quốc hội đã thông qua đạo luật giảm nhẹ mức thuế và cố định ngạch thuế nông nghiệp. Đạo luật ấy được toàn thể nông dân hoan nghênh nhiệt liệt.

Trong đại hội, các đại biểu đã hăng hái thách nhau thi đua, có nơi, nâng cao sản lượng 50%.

Vì trong thời kỳ chiến tranh, nông nghiệp bị tàn phá quá nặng, cho nên hiện nay sản lượng nông nghiệp đã tiến bộ nhiều nhưng vẫn chưa thỏa mãn hết nhu cầu về lương thực cũng như về nguyên liệu cho công nghiệp.

Tháng 4-1956, Đại hội Đảng lần thứ III đã đề ra những nhiệm vụ như sau:

Trong kế hoạch năm năm thứ nhất (1957 - 1961) nông nghiệp phải tăng gia sản xuất mạnh, nhất là về lương thực. Phải củng cố những hợp tác xã về mặt tổ chức và mặt kinh tế, rồi tiến tới hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp trong cả nước. Sau Đại hội, Đảng và Chính phủ đã đẩy mạnh những biện pháp như:

- Cải tiến kỹ thuật.

- Phát động cuộc thi đua chăn nuôi, khuyến khích việc trồng cỏ tươi và trữ cỏ khô cho trâu bò.

- Thưởng huân chương và danh hiệu anh hùng lao động cho những nông dân xuất sắc nhất, và vận động lập những hợp tác xã kiểu mẫu.

- Mậu dịch sửa đổi cách thu mua của nông dân.

- Giảm nhẹ tiền cho thuê máy cày và máy tưới nước... Thế là trong thời kỳ thí nghiệm hợp tác hóa (năm 1955), Đảng và Chính phủ quan tâm nhất đến vấn đề tổ chức nội bộ của hợp tác xã. Đến khi hợp tác xã tương đối vững chắc, Đảng và Chính phủ quan tâm nhất đến việc nâng cao sản lượng.

Kế hoạch ba năm khôi phục kinh tế đã có kết quả tốt: so với năm 1949 thì năm 1957 công nghiệp đã tăng gấp ba lần. Lương thực tăng 8% (so với năm 1953 thì tăng 24%). Sản lượng rau xanh, khoai lang, thuốc lá... và số lợn, bò, dê, ngựa đều tăng hơn trước thời kỳ chiến tranh.

Chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ đối với vấn đề thủy nông, phân hóa và cải tiến kỹ thuật đã giúp cho sản lượng nông nghiệp được nâng cao nhanh chóng, nhưng phong trào hợp tác hóa mạnh mẽ vẫn là điều kiện chính.

Năm 1956, sản lượng bình quân của các hợp tác xã cao hơn của nông dân riêng lẻ 19%, vì các hợp tác xã đã mở rộng diện tích, làm nhiều thủy lợi và cải tiến kỹ thuật. Nghề chăn nuôi của hợp tác xã cũng tăng rất nhiều; so với đầu năm thì đã tăng: bò hơn 80% (vì có đủ cỏ xanh và cỏ khô), lợn hơn 64%. Các nghề phụ như nuôi tằm, đánh cá trồng cây ăn quả... cũng tiến bộ nhiều. Do đó các hợp tác xã đã thu được 11.730 triệu đồng.

Sau khi đã trừ những khoản phí tổn chung của hợp tác xã, mỗi hộ bình quân chia được: 1.616 kilô thóc (so với năm 1955 tăng 29%), 357 kilô khoai (so với năm 1955 tăng 85%), 9.542 đồng tiền mặt (so với năm 1955 tăng 70%).

Cuối tháng 3-1957, hợp tác xã đã bao gồm 86% tổng số nông hộ, 84% tổng số ruộng đất.

*

*    *

Trong thời kỳ hợp tác xã phát triển mạnh, cũng có những sai lầm như: Cán bộ không nắm sát tình hình kinh tế và trình độ giác ngộ chính trị của nông dân mỗi nơi, mà muốn đưa hàng loạt nông hộ vào hợp tác xã. Muốn tổ chức những hợp tác xã thật to, muốn hợp ngay những hợp tác xã nhỏ thành những hợp tác xã to hơn nữa. Chỉ muốn tổ chức những hợp tác xã cấp cao,...

Những sai lầm nóng vội này đã được Trung ương kịp thời uốn nắn.

Hợp tác hóa nông nghiệp căn bản đã vững chắc, quan hệ sản xuất trên cơ sở xã hội chủ nghĩa về công nghiệp cũng như về nông nghiệp được thực hiện. Kinh tế quốc dân đi vào con đường có kế hoạch. Vấn đề lương thực đã được giải quyết một cách thắng lợi. Nông nghiệp tiến mạnh sang nghề trồng cây công nghiệp và nghề chăn nuôi. Do đó mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp đã đổi mới, và liên minh giữa công nhân và nông dân được củng cố thêm.

Bởi những thành tích đó, nông dân các hợp tác xã càng tin tưởng vào chính sách sáng suốt của Đảng và Chính phủ, càng hăng hái thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Nhà nước về sản xuất nông nghiệp.

Năm 1957 là năm đầu của kế hoạch 5 năm thứ nhất. Mặc dù hạn hán suốt tám tháng liền các hợp tác xã đã làm nhiều công trình thủy lợi và chống hạn một cách thắng lợi, diện tích cày cấy đã tăng 14 vạn mẫu tây. Họ bón hơn năm ngoái tám vạn tấn phân hóa học... Nhờ vậy, năm 1957 để thu hoạch 3 triệu 20 vạn tấn lương thực tức là 11,4% hơn năm 1956, dù năm 1956 là một năm được mùa.

Những con số sau đây chứng tỏ sự tiến bộ của nông nghiệp:

Năm 1954 1956 1957

Ngũ cốc 100% 127% 152%

Cây công nghiệp 100% 108% 130%

Gia súc 100% 128% 186%

Quả tươi 100% 139% 384%

Các hợp tác xã giàu thêm. Thu nhập của xã viên tăng thêm. Mỗi hộ bình quân chia được:

1.724 kilô thóc so với năm 1955 tăng 38%

434 kilô khoai so với năm 1955 tăng 25%

13.703 đồng tiền mặt so với năm 1955 tăng 44%

Vài năm trước đây, 30% tổng số nông dân là bần nông. Ngày nay, nhờ hợp tác hóa mà mức sinh hoạt của họ đã ngang với mức của trung nông.

Đời sống vật chất được cải thiện, cho nên trình độ văn hóa cũng được nâng cao. Các hợp tác xã đã thành lập hơn 7.000 câu lạc bộ nghiên cứu kỹ thuật nông nghiệp, 5 vạn đoàn văn hóa, xây dựng ba vạn ngôi nhà mới. Các nhà xem sách, nơi gửi trẻ, phòng phát thuốc cũng thêm nhiều. Những thắng lợi đó đã làm cho nông dân riêng lẻ giác ngộ hơn, họ không giữ thái độ “chờ xem” nữa, họ hăng hái xin vào hợp tác xã. Vì vậy từ tháng 3 đến tháng 12-1957 tổ đổi công và hợp tác xã đã phát triển từ 86% tổng số nông hộ đến 95,6%. Cả miền Bắc (10 tỉnh và hai thành phố) đã có 16.032 tổ đổi công và hợp tác xã. Thế là chủ nghĩa xã hội đã thắng lợi ở nông thôn... Sau đây là những bước tiến của phong trào hợp tác hóa về số ruộng đất:

1954 1955 1956 1957

2% 44,9% 70% 96%

Một điều quan trọng cần chú ý là: Do điều kiện các địa phương khác nhau mà hợp tác hóa phát triển cũng khác nhau. Ở đồng bằng nhanh hơn miền núi và hơn vùng ngoại ô các thành phố.

Một đặc điểm nữa là hợp tác xã hình thức thấp (tổ đổi công) ngày càng ít đi, hình thức cao ngày càng nhiều thêm.

Hình thức thấp Hình thức cao

Năm 1954 46% 54%

Năm 1955 11% 89%

Năm 195 63% 97%

Năm 1957 1% 99%

Do kinh nghiệm bản thân mà các xã viên thấy hình thức thấp (tổ đổi công có bình công chấm điểm) phiền phức hơn, hình thức cao hợp tác xã giản đơn hơn và có lợi hơn.

Trong phong trào hợp tác hóa, đảng viên ở nông thôn đã làm gương mẫu, làm đầu tàu, cho nên chính sách xã hội chủ nghĩa của Đảng đã thực hiện một cách thuận lợi. Kinh nghiệm quý báu về sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác cũng giúp nhiều cho công cuộc hợp tác hóa ở Triều Tiên. Những điều kiện đó là làm cho phong trào hợp tác hóa phát triển thành công.

Số xã viên và số ruộng của hợp tác xã bình quân tăng như sau:

Năm 1954 1955 1956 1957

Số nông hộ bình quân

của mỗi hợp tác xã: 18 hộ 39 hộ 49 hộ 59 hộ

Số ruộng bình quân

của mỗi hợp tác xã

(mẫu tây): 30 70 81 96

Tháng 12-1957 độ 13% hợp tác xã có từ 100 đến 200 hộ. 1% từ 200 hộ trở lên. Đại đa số hợp tác xã (42%) có từ 50 đến 100 hộ.

Bình quân mỗi hộ cày cấy 1,6 mẫu tây, (ở Liên Xô bình quân mỗi hộ có 7,6 mẫu tây, Tiệp Khắc 6 mẫu tây).

Hợp tác xã Triều Tiên phát triển đều là nhờ sự lãnh đạo chặt chẽ của của Đảng, sự hoạt động hăng hái của đảng viên và cán bộ, sự tin tưởng và yêu cầu bức thiết của nông dân. Nông dân thấy rằng: muốn cấy giống lúa nào cho thích hợp với chất đất ấy, muốn làm thủy lợi tốt, muốn bồi bổ cho ruộng tốt hơn, muốn phát triển nghề phụ, - nếu cứ làm ăn riêng lẻ như cũ thì không đủ sức mà làm, nhất định phải tổ chức nhau vào hợp tác xã mới làm được.

Nhưng muốn tổ chức hợp tác xã to, thì gặp nhiều khó khăn: cán bộ quản lý thiếu kinh nghiệm và năng lực, thiếu nông cụ và kỹ thuật để cày cấy trên quy mô to,... Vì lẽ đó, khi quyết định tổ chức hợp tác xã quy mô to hay là nhỏ, phải hết sức cẩn thận. Cần phải xem xét kỹ điều kiện thực tế. Kinh nghiệm cho biết rằng: hợp tác xã nhỏ quá thì chật hẹp, không thể phát triển tính chất tốt của hợp tác xã. Trái lại, nếu tổ chức quá to thì quản lý không nổi. Lúc đầu mỗi hợp tác xã có độ 50 hoặc 60 hộ thì vừa phải. Khi có đủ cán bộ, đủ kinh nghiệm và đủ khả năng sẽ phát triển rộng thêm.

Kinh nghiệm 4 năm qua cho thấy rằng: Lúc đầu, hợp tác xã có 50 đến 60 hộ với độ chừng 90 mẫu tây ruộng đất là vừa. Với số ruộng đất ấy, tuy không có máy móc, với độ 100 sức lao động cũng đủ làm (Sự thật thì diện tích 90 mẫu tây còn hẹp, không dùng được máy cày). Nói như vậy, không có nghĩa là không cần phát triển dần hợp tác xã cho to thêm. Ra sức mở rộng diện tích mới và cải thiện diện tích cũ là một điều rất cần thiết cho hợp tác xã. Ngoài việc ra sức tăng gia lương thực và cây công nghiệp, hợp tác xã nên cố gắng làm nghề phụ như chăn nuôi, đánh cá, nuôi tằm, trồng cây ăn quả...

Một kinh nghiệm nữa: trong giai đoạn thí nghiệm, quy mô bình quân của mỗi hợp tác xã ở đồng bằng và ở miền núi đều xấp xỉ nhau, tức là từ 10 đến 20 hộ. Nhưng đến giai đoạn phát triển thì rất khác nhau, quy mô bình quân ở đồng bằng to hơn ở miền núi nhiều. Thí dụ: Ở vùng đồng bằng Bình An Nam, bình quân mỗi hợp tác xã có 60 hộ. Còn ở tỉnh Lương Giang ở vùng núi, thì bình quân chỉ có 37 hộ.

Khi quy định khuôn khổ tổ chức cho mỗi hợp tác xã, ngoài điều kiện thiên nhiên, thì điều kiện kỹ thuật cũng rất quan trọng. Kinh nghiệm cho biết rằng: Cùng ở trong một vùng, ruộng đất các thứ đều ngang nhau, lực lượng cán bộ và sức lao động đều giống nhau, nhưng hợp tác xã A có kỹ thuật khá, thì thu hoạch nhiều hơn và phát triển nhanh hơn hợp tác xã B chưa cải tiến kỹ thuật.

Trong giai đoạn đầu, Đảng giữ chặt nguyên tắc tổ chức hợp tác xã từ thấp tiến dần đến cao, như vậy để củng cố các hợp tác xã về mặt kinh tế và về mặt tổ chức.

Quy mô hợp tác xã to hay là nhỏ là do quy luật khách quan quyết định chứ không phải do ý muốn chủ quan của người mà quyết định. Điều kiện chủ chốt trong vấn đề này là: Phương hướng sản xuất, phương pháp kinh doanh, công cụ để sản xuất, kỹ thuật, kinh nghiệm, năng lực quản lý và những điều kiện địa lý và kinh tế.

Tuy rằng bình quân mỗi hợp tác xã có từ 50 đến 60 hộ, nhưng vì điều kiện khác nhau từng địa phương, cho nên hợp tác xã nhỏ nhất chỉ có 8 hộ, hợp tác xã to nhất có đến 1.000 hộ. Cho nên cần phải tùy điều kiện kinh tế và kỹ thuật từng địa phương mà định quy mô mở rộng hợp tác xã.

Chỉ có những nông cụ lạc hậu, cố nhiên hợp tác xã không thể tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy công nghiệp cần phải cố gắng cung cấp máy móc và phân hóa học cho nông thôn. Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước anh em khác, Triều Tiên đã đặt thêm nhiều trạm máy cày. Năm 1953 chỉ có 15 trạm, năm 1957 đã có 50 trạm. 7.000 hợp tác xã đã dùng máy, và cày được 27 vạn mẫu tây.

Những hợp tác xã nhỏ chỉ dùng sức người, nên chia thành từng đội lao động, mỗi đội 20 đến 30 xã viên. Khi phân công cho xã viên cần phải chú ý đến tuổi tác, khả năng, và xã viên là đàn ông hay đàn bà.

Tuy sức người thua sức máy, nhưng nhờ công tác chung và sắp xếp khéo, cho nên so với cách làm ăn riêng lẻ thì vẫn tiết kiệm được 20 đến 30% sức lao động. Những hợp tác xã nửa dùng máy nửa dùng sức người, thì tiết kiệm được độ 50% sức lao động, và thu hoạch cũng nhiều hơn.

Kinh nghiệm cho biết rằng nông cụ dù thô sơ, nếu góp nhau lại và dùng chung một cách hợp lý ở hợp tác xã, thì vẫn có kết quả tốt không ngờ.

Ngày nay mục đích của Đảng và Chính phủ là cơ khí hóa dần dần nông thôn. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nông thôn Triều Tiên sẽ có 1.500 máy cày và 1.000 xe hơi vận tải. Nhưng việc quan trọng hơn nữa là phải chế tạo cho nhiều và phổ biến rộng khắp những nông cụ hạng nhỏ và nông cụ vận tải giản đơn, thích hợp với điều kiện ruộng đất của các địa phương.

Trước đây, cả miền Bắc Triều Tiên có non hai triệu mẫu tây ruộng đất chia tủn mủn thành 1 triệu 20 vạn đám nhỏ. Thêm vào đó lại có nhiều bờ ruộng, đường đi, mương rãnh,... Hợp tác hóa đã bắt đầu sửa đổi tình trạng không hợp lý đó, nhưng còn phải chỉnh đốn rộng khắp hơn nữa để có thể dùng máy cày và không lãng phí ruộng đất.

Nhiệm vụ quan trọng hơn hết của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp. Tháng 12-1957, hơn 95% tổng số nông hộ đã vào tổ đổi công và hợp tác xã. Nông dân riêng lẻ chỉ còn non 5%, trong số đó phần đông là nông dân miền núi và một ít trung nông lớp trên. Để giải quyết vấn đề này, một mặt thì phải tìm cách tổ chức cho thích hợp với điều kiện miền núi, mặt khác thì phải tăng cường giáo dục chính trị cho trung nông lớp trên để lôi cuốn họ tự nguyện tự giác vào hợp tác xã.

Còn vấn đề phú nông. Sau chiến tranh, ở Triều Tiên số phú nông đã giảm sút nhiều, chỉ còn 0,6% tổng số nông hộ. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào hợp tác xã, phú nông thấy rằng họ không thể cứ sống theo lối cũ mãi. Vả lại thủ đoạn bóc lột của họ đã bị hạn chế chặt chẽ. Cho nên họ đã giác ngộ dần và đã tự động xin vào hợp tác xã để làm ăn như người nông dân lao động khác. Đối với những phú nông còn lừng chừng, thì phải tiếp tục dùng phương pháp giáo dục chính trị để cải tạo họ.

Đối với những phần tử phá hoại thì phải trừng trị đúng mức.

Cải tạo nông nghiệp theo chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh giai cấp gắt gao với kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài, nhất là trong hoàn cảnh mà đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng đang tìm mọi cách để phá hoại ta, cho nên nông dân và cán bộ cần phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác.

*

* *

Có thể nói rằng: Đối với công cuộc hợp tác hóa, năm 1957 là một năm chuyển biến lớn, nó bắt đầu một cao trào sản xuất, và tiến lên một giai đoạn mới.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã định đến năm 1961 sẽ sản xuất 3 triệu 76 vạn tấn thóc, vườn trồng cây ăn quả sẽ tăng 10 vạn mẫu tây, bãi trồng dâu tăng 55.000 mẫu tây, các thứ cây công nghiệp và gia súc cũng sẽ tăng nhiều. Nông dân sẽ xây dựng thêm 20 vạn ngôi nhà mới, các hợp tác xã đã tự tổ chức những đội kỹ thuật chuyên phụ trách việc xây dựng nhà cửa.

Tháng 7-1957, Trung ương Đảng đã phái nhiều tổ cán bộ đến các hợp tác xã giúp họ chuẩn bị kế hoạch sản xuất trong 5 năm. Các hợp tác xã đang hăng hái tự xuất công, xuất của để xây dựng nhiều công trình trung và tiểu thủy lợi. Nhà nước thì xây dựng đại thủy lợi ở Kỳ Dương.

Tháng 8-1958, nông thôn Triều Tiên đã hoàn thành hợp tác hóa. Cuối tháng 10 năm nay hơn 11.330 hợp tác xã vừa và nhỏ đã nhập lại thành 3.880 hợp tác xã to. Cứ mỗi “lý” là một hợp tác xã (một lý rộng bằng một liên xã Việt Nam ta). Các hợp tác xã đều đảm bảo năm nay sẽ thu hoạch được 3.900.000 tấn thóc, quả tươi sẽ tăng 14%, bông tăng gấp 10 lần. Thế là họ đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm trước thời hạn 2 năm, và đã tăng hơn năm ngoái 70 vạn tấn thóc. Dù năm nay đã bị hạn hán suốt tám tháng, nông dân và học sinh, bộ đội cùng cán bộ đã ra sức phấn đấu, không những đã khắc phục được thiên tai mà còn tăng thêm sản lượng.

Chín tháng đầu năm nay, công nhân Triều Tiên đã hoàn thành vượt mức kế hoạch công nghiệp 10%, trị giá hơn 34% so với chín tháng đầu năm ngoái. Riêng về nghề đào mỏ bằng máy, năng suất lao động tăng 85%.

Các tỉnh đang lập thêm 960 nhà máy to và nhỏ; sản lượng năm sau sẽ nhiều gấp 2 năm nay.

Tháng 9 năm nay, để thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, nhân viên các cơ quan đang cố gắng giảm bớt một nửa số biên chế để thêm sức lao động cho các ngành sản xuất.

Công nhân các xí nghiệp thì đều quyết định thi đua nâng cao năng suất lao động gấp hai đến bốn lần. Thí dụ ở xí nghiệp luyện kim, công nhân phấn đấu cả ngày cả đêm để trong năm nay sản xuất 50 vạn tấn thép, 41 vạn tấn gang, và chuẩn bị để năm sau sản xuất một triệu tấn thép và 80 vạn tấn gang. Một lò cao nấu sắt Tân Sách, dưới thời kỳ thực dân Nhật mỗi năm chỉ sản xuất 85.000 tấn, hiện nay công nhân Triều Tiên sản xuất mỗi năm được 36 vạn tấn.

Các hợp tác xã nông nghiệp đều hăng hái thi đua làm trung và tiểu thủy lợi để tưới thêm một triệu mẫu tây. Và họ phấn đấu để tranh thủ trong vài năm nữa sẽ sản xuất bảy triệu tấn lương thực hoặc nhiều hơn nữa.

Vụ mùa năm nay có những hợp tác xã ở Giang Nam đã thu hoạch bình quân mỗi mẫu tây 15 tấn, và họ quyết tâm trong vụ chiêm Đông - Xuân sẽ thu hoạch mỗi mẫu tây 50 tấn.

KẾT LUẬN

Công cuộc hợp tác hóa nông thôn ở miền Bắc Triều Tiên bắt đầu từ năm 1954, hoàn thành cuối năm 1958. Trong bốn năm ấy đã có rất nhiều kinh nghiệm quý báu:

- Đảng và Chính phủ luôn luôn theo dõi và chú ý đến mọi mặt để đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa một cách khẩn trương, nhưng rất chắc chắn, cẩn thận và toàn diện.

- Điều quan trọng nhất cho phong trào hợp tác hóa là giáo dục chủ nghĩa xã hội cho đảng viên, cán bộ và nông dân, làm cho tư tưởng mọi người đều thông suốt. Kịp thời sửa chữa những sai lầm, biểu dương và phổ biến những ưu điểm.

- Đảng viên và cán bộ luôn luôn theo đúng chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng; luôn luôn làm gương mẫu, đầu tàu để lôi cuốn quần chúng nông dân tự nguyện tự giác đi vào con đường hợp tác hóa.

Đó là những điểm chính đã đưa phong trào hợp tác hóa đến thành công.

Nhờ hợp tác xã mà nông nghiệp miền Bắc Triều Tiên từ chỗ sản lượng thấp đã tiến đến sản lượng ngày càng cao, đời sống nông dân từ chỗ thiếu thốn đã biến thành ngày càng ấm no sung sướng. Do đó mà ảnh hưởng rất lớn đến chí khí phấn đấu của nhân dân Nam Triều Tiên chống đế quốc Mỹ và bọn Lý Thừa Vãn, và góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Hiện nay, miền Bắc nước ta đã bắt đầu phong trào hợp tác hóa, những kinh nghiệm quý báu của nhân dân Triều Tiên anh em chắc sẽ giúp ích nhiều cho cán bộ và đồng bào nhân dân ta.

Có người hỏi: Ta có thể làm như Triều Tiên, như Trung Quốc không?

Trả lời: Có thể. Chắc chắn có thể. Vì ta cũng có những điều kiện như Triều Tiên và Trung Quốc, điều kiện khó khăn và điều kiện thuận lợi, mà điều kiện thuận lợi là chính.

Những điều kiện khó khăn là:

- Lúc đầu, cán bộ cũng như nông dân còn thiếu kinh nghiệm tổ chức, thiếu kinh nghiệm quản lý.

- Cán bộ không nắm thật chặt tình hình thực tế mỗi nơi, dễ phạm tư tưởng bảo thủ, quá rụt rè. Hoặc phạm bệnh nóng vội, tham làm nhanh, làm to, thiếu cẩn thận, tổ chức ẩu, tổ chức bừa bãi. Hoặc làm sai nguyên tắc tự nguyện tự giác của nông dân, dùng cách quan liêu mệnh lệnh.

- Một bộ phận nông dân thì còn nhiều nghi ngại, suy già tính non. Họ lầm tưởng rằng vào hợp tác xã thì sẽ mất tự do, sẽ bị thiệt,...

Những điều kiện thuận lợi thì nhiều, thí dụ:

Ruộng đất ta tốt, và nếu khéo bồi bổ thì còn tốt hơn nữa.

Ta có nhiều nguồn phân để bón ruộng.

Nguồn nước ta cũng nhiều, nếu đồng bào ra sức làm trung và tiểu thủy lợi thì không bao lâu sẽ tiêu diệt được hạn hán...

Đồng bào nông dân ta sẵn có tính làm ăn cần cù, tiết kiệm. Cán bộ ta tận tụy đối với lợi ích của nước nhà, của nhân dân. Đồng bào và cán bộ ta sẵn có truyền thống đoàn kết và tính tổ chức từ thời kỳ cách mạng và thời kỳ kháng chiến.

Nhân dân và cán bộ ta rất tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ, và hiểu rõ rằng mục đích duy nhất của Đảng và Chính phủ là làm cho đồng bào ấm no, làm cho dân giàu nước mạnh đưa nhân dân đến chủ nghĩa xã hội tươi sáng vẻ vang.

Ngoài ra, chúng ta lại có những kinh nghiệm rất quý báu của Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và của các nước anh em khác. Nhờ những kinh nghiệm ấy mà ta khỏi đi đường vòng, khỏi phạm sai lầm khuyết điểm nặng.

Nói tóm lại: Chúng ta cố gắng thì nhất định làm được như Triều Tiên, như Trung Quốc...

Điều chủ chốt và cấp bách hiện nay là: Ra sức giáo dục cho tất cả đảng viên, đoàn viên thanh niên, tất cả cán bộ và nông dân hiểu thấu rằng: Muốn đời sống được cải thiện không ngừng, muốn dân giàu nước mạnh, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn thống nhất nước nhà, thì tất cả mọi người, nhất là đồng bào nông dân phải quyết tâm thực hiện hợp tác hóa nông thôn một cách khẩn trương, nhưng cực kỳ cẩn thận.

TRẦN LỰC

--------------------------

- Báo Nhân Dân, từ số 1713 đến số 1716, từ ngày 21 đến 24-11-1958, tr.3.

[1]. Theo báo cáo của đồng chí Kim Hán Chu phụ trách nông vận Triều Tiên.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.