Huyện Laipin mười năm, chín năm hạn. Mười mùa thì chín mùa thiếu ăn. Xuân thì ít mưa, hạ thì hay lụt. Chẳng những không có nước tưới ruộng, 40% dân cũng thiếu nước ăn. Cho nên có thói quen một nước bốn dùng: rửa xong để tắm, tắm xong để giặt, giặt xong để cho trâu bò uống. Nơi có nước thì nước đục: “Nước bảy bùn ba; áo trắng đưa giặt hóa ra áo vàng”. Nhân dân các huyện chung quanh đã có câu vè:

“Ai ơi chớ lấy trai Pin

Gánh một gánh nước khổ như lên đường trời

Áo quần muốn giặt không có nơi,

Nước uống khét lẹt như hơi thuốc vàng”.

Vì thiếu nước mà ruộng đất xấu. Năm nào gió mùa mưa thuận mỗi mẫu cũng chỉ gặt được độ 365 kilô. Dân rất nghèo khổ và sống vào bốn cái nhờ: nhờ trời mưa, nhờ bán củi, nhờ làm thuê ở mướn, nhờ đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Lại vì rừng bị chặt trụi mà gây ra tai nạn hạn hán: năm hôm không mưa đất đã khô, mười hôm không mưa đã thành hạn. Mưa to thì nước liền ngập ruộng, mưa tạnh thì ruộng cũng khô. Nạn thứ hai là vì nước thiếu cho nên dân thiếu vệ sinh thường đau ốm:

“Thiếu nước khiến người hư hao,

Mắc nhiều tật bệnh ốm đau luôn ngày;

Dưới giường vũng nước mắt đầy,

Có thể nuôi cá ở đây như thường”.

Từ ngày được chia ruộng, sản xuất có tăng lên mỗi năm độ 595 kilô, đời sống của nông dân đã cải thiện một bước, nhưng vẫn còn nghèo. Bốn cái nhờ trước kia nay hóa ra hai cái nhờ: nhờ Chính phủ điều động lương thực các nơi đến, nhờ ngân hàng Nhà nước cho vay tiền.

Phải chăng đất ruộng Laipin xấu đến nỗi dân không thể vươn mình lên được? Không phải! Chỉ vì thiếu nước tưới mà dân Laipin khổ. Làm được thủy nông tốt thì dân Laipin cũng sẽ giàu có như dân các nơi khác.

Sức người quyết thắng thiên tai

Đấu tranh bốn tháng nước đầy ruộng nương

Năm 1956, hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức khắp huyện. Nông dân không “bốn nhờ, hai nhờ” tiêu cực như trước nữa. Nay họ chỉ nhờ Đảng lãnh đạo họ ra sức làm. Nhờ xây dựng thủy nông để chống hạn, nhờ hợp tác xã để tăng gia sản xuất tốt.

Nhưng trong bước tiến cũng có khó khăn. Có những người tư tưởng chưa thông, họ nói: “Làm thủy nông chỉ lo đến tập thể, không nghĩ đến cá nhân. Làm thủy nông ảnh hưởng đến nghề phụ của gia đình. Làm thủy nông quá khó nhọc”, v.v..

Làm thủy nông để phát triển nông nghiệp, lợi ích muôn đời; hay là chỉ lo làm nghề phụ để kiếm chút lãi trước mắt, mà không làm thủy nông? Bên nào hơn? Đảng đưa vấn đề đó cho toàn thể nông dân bàn.

Sau khi bàn bạc sôi nổi, nông dân đều thấy rõ làm thủy nông là hơn.

Xây dựng thủy nông, tăng gia sản xuất, việc đó ngoài miệng thì ai cũng tán thành. Nhưng khi bước vào thực hiện thì không phải tư tưởng ai cũng thông. Thí dụ: trong mười lăm ủy viên xã, chỉ có hai người thật hăng hái. Sáu người lừng khừng, họ cho rằng: trong huyện núi trọc, sông sâu, nguồn gốc thì ít, chất đất phức tạp khó khăn rất nhiều, v.v.. Bảy người thì nửa thông nửa không thông, họ nói: nơi làm được thủy nông thì đã làm rồi, những nơi còn lại thì khó làm; vả lại tiền chẳng có, cán bộ kỹ thuật cũng không...

Những tư tưởng bảo thủ đó đã ảnh hưởng không tốt đến nông dân, đến công việc. Xét ra thì cán bộ mang tư tưởng ấy nặng hơn quần chúng, cán bộ kỹ thuật nặng hơn cán bộ thường.

Huyện ủy lại mở một cuộc thảo luận rộng rãi từ cán bộ đến quần chúng, và dùng cách tham quan những nơi làm được để giải quyết tư tưởng và cổ động tinh thần.

Sau đó mọi người đều đi đến kết luận: có núi thì có nước, trên đất không có nước thì dưới đất có nước, nơi gần không có thì nơi xa có nước, quyết tâm làm thì nhất định lấy được nước. Thế là đánh bại được tư tưởng bảo thủ, bi quan.

Ngăn nước sông lại, đào nước ngầm lên,

Trữ lại nước mưa, dùng cả nước núi

Đó là lời nói dũng cảm của quần chúng sau đợt thảo luận và tư tưởng thông rồi.

Lại phải tiến lên bước nữa làm cho mọi người nắm vững phương châm: Dựa hẳn vào lực lượng quần chúng, làm đúng khẩu hiệu “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Để nâng cao nhận thức của quần chúng, một cách tốt nhất là: nhắc lại những tai hại và cực khổ do hạn hán đã gây ra, nói rõ làm thủy nông thì sản xuất sẽ tăng và đời sống sẽ cải thiện thế nào. Cũng phải cùng quần chúng tính toán làm thủy nông sẽ tốn bao nhiêu sức, bao nhiêu tiền? Sức và tiền lấy ở đâu ra.

Nông dân tính đi tính lại thì thấy đất, đá, dụng cụ tự mình giải quyết được, chỉ cần một ít tiền để mua những thứ như xi măng và cốt sắt. Quần chúng đề nghị: vôi do mình tự nung, đá do mình tự đập, đất do mình tự đào, dụng cụ do mình tự mang đến, kỹ thuật do mình tự học, tiền do mình tự góp.

Tư tưởng thông, ai cũng phấn khởi. Hôm bắt đầu làm, quần chúng đề mấy câu biểu ngữ như sau:

“Dựa vào tổ chức, tự hai tay ta

Theo Đảng lãnh đạo hăng hái mà tiến lên,

Bắt sông phải chảy ngược miền,

Bắt núi quỳ gối cho nguồn nước qua.

Không mưa thì mặc không mưa

Thủy nông làm tốt được mùa muôn năm”.

Làm thủy nông là một chiến dịch

Muốn thắng lợi thì phải động viên toàn thể cán bộ, toàn thể nhân dân. Cán bộ phải xung phong đi trước, nói được, làm được. Phát động tất cả mọi người, tìm tòi mọi phương pháp, mọi lực lượng tiềm tàng, lợi dụng mọi sức người, sức của. Ngăn sông, xuyên núi, đào giếng, xây kho - dùng đủ mọi cách để tiến công hạn hán.

Cùng một số nông dân có kinh nghiệm, cán bộ Laipin đã mang lương khô và cuốc thuổng trèo non vượt núi, đi khắp huyện để tìm nguồn nước. Trong huyện không có thì đi tìm ở các huyện chung quanh, quyết tìm cho kỳ được. Một thí dụ: Đồng chí bí thư huyện đã cùng sáu thanh niên xung phong chui vào một hang đá dài mười cây số, tìm sáu ngày sáu đêm. Kết quả đã tìm được nguồn nước. Những gương mẫu ấy làm cho quần chúng càng hăng hái thêm. Họ nói: “Đảng viên không sợ khó khăn, núi đào cũng giỏi, sông ngăn cũng tài. Nắng lâu không sợ hạn tai, mưa lâu không sợ lụt, ai ai cũng anh hùng”.

Các cán bộ lãnh đạo luôn luôn ở tại mặt trận, vừa chỉ huy vừa lao động; xem xét mọi công việc, mọi dụng cụ; tổng kết và phổ biến mọi kinh nghiệm. Nhờ vậy mà cán bộ và quần chúng đã phát minh ba mươi hai cách cải tiến công tác, nâng cao năng suất gấp mười mấy lần.

Trong lúc làm, ai cũng hăng hái, đến thật sớm về thật muộn. Ngày Tết đến cán bộ từ huyện đến xã và các đoàn thể đều đến ăn Tết ở công trường. Hôm đó, chẳng những không ai xin về nhà ăn Tết mà lại có hơn ba vạn người ở các làng đến làm dùm.

Suốt bốn tháng, ngày nào cũng khẩn trương, cũng vui vẻ như ngày nào. Nhân dân ở các thị trấn, thầy giáo và học trò ở các trường, anh em bộ đội thường đến tham gia công tác thủy nông. Kết quả là:

Toàn huyện có bốn mươi mốt vạn người thì hơn mười lăm vạn người (tức là 80% số người có sức lao động) đã xung phong đi làm thủy nông. Từ cuối năm 1957 đến đầu năm 1958, trong vòng bốn tháng đã làm được tiểu và trung thủy nông đủ tưới cho 156.000 mẫu ruộng. Nếu so với thủy nông mấy nghìn năm trước, thành tích này đã gấp mười bốn lần; và nhiều gấp hai lần so với tám năm trước đây.

Cộng tất cả là 14.400.000 ngày công, bình quân mỗi người làm 90 ngày, tính đổ đồng mỗi người làm được 84 thước khối đất và đá.

Công trình xuyên qua nhiều đường hầm dưới núi. Có đường dài đến 480 thước. Ngăn 28 khúc sông và 149 cái suối, xây 177 kho chứa nước, đào hơn 360 hồ nước mạch. Nhờ vậy mà năm nay tuy hạn to, 36 con sông nhỏ đã khô hết 28 con, nhưng ruộng vẫn cấy được nhiều gấp đôi năm ngoái. Nhân dân mừng rỡ nói:

“Trước kia bị hạn cầu trời phật,

Cầu đêm cầu ngày lúa vẫn khô.

Ngày nay chịu khó làm thủy lợi,

Nước đầy ruộng, khoai lúa đầy bồ.

Sung sướng do ta tự làm lấy,

Không phải trời cho, nhờ Đảng cho”.

T.L.

---------------------------------

Báo Nhân Dân, số 1570, ngày 30-6-1958, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.