Ngày 9 tháng 5 năm 1945 là ngày Liên Xô chiến thắng phát xít Đức, chấm dứt chiến tranh ở châu Âu.

Để kỷ niệm ngày 9 tháng 5, chúng tôi nói qua những thành tích xây dựng kinh tế hòa bình của Liên Xô từ sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Trước khi nói đến kinh tế Liên Xô, nên nói qua kinh tế của phe đế quốc, để so sánh cho dễ.

Bọn đế quốc mong dùng chiến tranh để tránh kinh tế khủng hoảng. Song kinh tế khủng hoảng lại càng sâu sắc, vì chúng chuẩn bị chiến tranh. Vài thí dụ:

MỸ - Trong 5 năm sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ tiêu hết 125.000 triệu đồng về binh bị (đổ đồng mỗi năm 25.000 triệu).

Năm nay, tiêu hết 48.200 triệu (so với năm trước chiến tranh, gấp 50 lần).

Từ nửa năm nay đến nửa năm sau: 71.600 triệu, tức là 83 phần trăm tổng ngân sách Mỹ.

Mỗi người dân Mỹ, bất kỳ già trẻ, gái trai, mỗi năm phải gánh vác 471 đôla, trong lúc mỗi người công nhân thường ở Mỹ mỗi tháng chỉ được 140 đôla tiền công. Thế là mỗi năm, mỗi công nhân Mỹ phải nộp cho Chính phủ gần ba tháng rưỡi tiền công.

Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ đã phải nhận rằng: “Từ nay, nhân dân Mỹ phải làm nhiều việc hơn nữa, phải nộp thuế nặng hơn nữa”.

Sự thật là nhân dân ngày càng khổ, vì giá sinh hoạt ngày càng cao.

ANH - Về tình hình kinh tế nước Anh, chỉ lấy việc sau này đủ chứng tỏ:

Hạ tuần tháng 4 vừa qua, ba bộ trưởng Chính phủ Anh từ chức. Một bộ trưởng nói: “Vì theo chính sách chiến tranh của Mỹ mà Chính phủ Anh tiêu về binh bị quá nhiều tiền, nhân dân Anh sẽ gánh vác không nổi. Chính sách ấy rất tai hại cho kinh tế nước Anh...”.

Một bộ trưởng khác nói: “Hiện nay, ở nước Anh, nguyên liệu ngày càng thiếu. Đồ dùng ngày càng hiếm. Năng suất ngày càng giảm. Thời giờ làm việc ngày càng dài. Mức sinh hoạt ngày càng thấp”.

Các báo chí cũng nói: “Năm nay là năm bi đát nhất cho nước Anh, kinh tế đang bước vào khủng hoảng”.

Hiện nay, mỗi tuần, 10 người Anh chỉ được phép mua chừng 1 cân thịt. Các thức ăn khác cũng bị hạn chế.

PHÁP - Năm nay, Pháp tiêu về binh bị 850.000 triệu, tiêu cho cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam 236.000 triệu.

Thế là nhân dân Pháp, từ trẻ con mới đẻ đến người già bạc đầu, mỗi người đều phải góp 21.250 phrăng cho phí tổn binh bị, đó là chưa kể các thứ thuế khác. Sinh hoạt ngày càng khó, thuế má ngày càng nặng. Vì vậy, tháng 3 vừa rồi, nhiều học sinh Pháp đã bãi khóa, và công nhân đã bãi công.

Tình hình kinh tế Liên Xô khác hẳn.

Cuối năm 1950, Liên Xô đã hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ tư. Kế hoạch này chỉ 4 năm và 3 tháng đã làm xong. Chẳng những kế hoạch làm sớm được 9 tháng, mà tính đổ đồng, đã làm quá mức 2 phần trăm. Sau đây là những thành tích:

CÔNG NGHIỆP - So với năm 1949, thì công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ tăng hơn 23 phần trăm.

KỸ THUẬT - Do sáng kiến công nhân, năm 1950, Liên Xô đã chế tạo ra hơn 400 thứ máy móc mới. Nhờ đó mà tiết kiệm được rất nhiều nguyên liệu, năng suất tăng cao, và nhiều công việc nặng nhọc do máy móc làm thay cho người.

NÔNG NGHIỆP - Lúa rất được mùa. Bông được 3.700.000 tấn.

Đất trồng trọt hơn năm 1949 là 6.600.000 mẫu tây.

Các nông trường có hơn 1.926.000 máy cày, máy gặt.

9 phần 10 ruộng đất cày bằng máy, 5 phần 10 gặt bằng máy.

Các nông trường có:

57.200.000 trâu bò,

24.100.000 lợn,

99.000.000 cừu,

13.700.000 ngựa.

SỐ CÔNG NHÂN - Vì kinh tế phát triển mạnh, số công nhân tăng thêm. So với năm 1949, thì năm 1950, số công nhân tăng thêm 2 triệu người. Tổng cộng là 39.200.000 công nhân.

494.000 thanh niên đã tốt nghiệp ở các trường công nghiệp và thương nghiệp.

7.000.000 công nhân đã tham gia các lớp học để nâng cao trình độ kỹ thuật của mình.

So với năm 1949, năng suất lao động đã cao thêm từ 12 đến 19 phần trăm.

VĂN HÓA, XÃ HỘI - Năm 1950, các trường tiểu học và trung học có 37.000.000 học sinh và 1.600.000 giáo viên.

Trong 880 trường đại học có 1.247.000 học sinh (tính cả những người lấy bài về nhà học).

21.000 nhà khoa học đã thành danh, sau một thời gian nghiên cứu thêm ở các viện khoa học.

Nhà thương, rạp hát, công viên, nhà ở, nơi nghỉ mát, vân vân cũng tăng thêm nhiều.

Năm 1950, hơn 39 triệu công nhân và công chức được đi nghỉ hè, ít nhất là hai tuần lễ; trong thời gian nghỉ vẫn được ăn lương.

SỰ TIÊU THỤ CỦA NHÂN DÂN - Từ ngày 1 tháng 3 năm 1950, Liên Xô lại giảm giá các thứ hàng hóa từ 15 đến 45 phần trăm. Từ sau ngày chiến tranh, giảm giá lần này là lần thứ ba.

Nhờ giá rẻ, sự tiêu thụ của nhân dân tăng rất nhiều, thí dụ:

Các thức ăn tăng 35 phần trăm.

Vải vóc tăng 36 phần trăm.

Máy hát tăng 45 phần trăm.

Máy chụp ảnh tăng 40 phần trăm.

Xe đạp tăng 44 phần trăm.

*

Năm 1946, khi bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ tư, đồng chí Xtalin kêu gọi nhân dân Liên Xô:

“Trong một thời gian ngắn, chúng ta phải hàn gắn những vết thương mà quân địch đã làm hại nước ta, phải khôi phục sự phát triển của kinh tế quốc dân ngang với mực trước chiến tranh để trong tương lai gần đây, vượt qua mực ấy rất nhiều”.

Toàn dân Liên Xô đã thi đua hưởng ứng lời kêu gọi ấy. Chẳng những hoàn thành kế hoạch, mà còn hoàn thành sớm và vượt quá mực đã định.

Trong khi kinh tế của phe tư bản đế quốc do Mỹ cầm đầu đang đi đến chỗ “sơn cùng thủy tận”, thì kinh tế của chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển, càng vững chắc. Đó là một chứng cớ tỏ rõ bên nào suy, bên nào thịnh.

Kinh tế Liên Xô thịnh vượng, chẳng những nhân dân Liên Xô sung sướng, mà lại có ảnh hưởng lớn khắp thế giới.

Liên Xô thịnh vượng tức là thành trì cách mạng, thành trì dân chủ và hòa bình thế giới càng vững chắc.

Liên Xô thịnh vượng thì càng khuyến khích lòng tự tin và chí hăng hái của nhân dân các nước dân chủ mới, gồm cả Việt Nam ta.

Do sự thành công vẻ vang của kế hoạch 5 năm lần thứ tư, nhân dân Liên Xô đã cho ta thấy rằng: Toàn dân hăng hái thi đua, thì nhất định thắng lợi.

Chúng ta thành thật chúc mừng nhân dân Liên Xô, đồng thời chúng ta cố gắng theo gương thi đua của nhân dân Liên Xô, và chúng ta chắc rằng:

Kháng chiến nhất định thắng lợi.

Kiến quốc nhất định thành công.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 7, ngày 7-5-1951, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.