Bình luận tình hình kinh tế miền Nam,

Báo tư sản Anh Người kinh tế viết:

Nhân dân miền Nam, nhất là nông dân đều nhìn nhận “Bác Hồ” là người đưa lại độc lập cho dân tộc, và ruộng đất cho nông dân, chứ không phải Ngô Đình Diệm.

Báo chí ở miền Nam không được tự do, mà phải tuyên truyền tâng bốc Diệm.

Về kinh tế, thì toàn bộ nhập khẩu đều dựa vào viện trợ Mỹ. Sự cạnh tranh của hàng hóa các nước phe Mỹ, và nạn đầu cơ tích trữ làm cho kinh tế thêm rối loạn. Nạn thất nghiệp ngày thêm trầm trọng. Nói tóm lại: Kinh tế miền Nam gặp nhiều khó khăn.

Báo ấy kết luận: “Vấn đề thống nhất nước nhà là một vấn đề mà người Việt Nam luôn luôn nói đến. Chính sách (của Mỹ-Diệm) nhằm ngăn trở việc thống nhất Việt Nam, chính sách ấy không thể duy trì được mãi”.

Báo tư sản Pháp Thông tin kinh tế tài chính viết:

Tổng số viện trợ Mỹ (300 triệu đôla) là 10.500 triệu đồng tiền miền Nam.

Tổng ngân sách của chính quyền Diệm là 12.000 triệu đồng tiền miền Nam.

Cộng là 22.500 triệu đồng, thì chi tiêu vào quân sự đã hết 14.000 triệu.

82% hàng viện trợ Mỹ là các hàng để tiêu dùng và hàng xa xỉ. Như vậy, viện trợ Mỹ không giúp cho miền Nam phát triển kinh tế, mà chỉ làm cho miền Nam phụ thuộc vào Mỹ và sống qua ngày thôi. Do tình hình như vậy, giới tư sản miền Nam cũng rất dè dặt, không dám bỏ vốn ra kinh doanh. Báo ấy kết luận: “Kinh tế không được phát triển, thì độc lập chính trị cũng chỉ là bánh vẽ mà thôi”.

Nếu báo chí ta nói như vậy, thì có người nghĩ rằng vì chúng ta ghét Mỹ-Diệm mà đặt điều nói xấu chúng. Nhưng các báo tư sản nước ngoài nói như vậy, thì có thể tin.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 870, ngày 22-7-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.