Trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta lãnh đạo nhân dân chống đế quốc Pháp bằng nhiều hình thức. Khi thì tổ chức bãi công, bãi thị, bãi khóa, chống thuế… Khi thì rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, treo cờ đỏ.

Nhiều đồng chí ta đã thành những “chuyên gia treo cờ”. Trong những ngày quốc tế như kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, mồng 1-5, v.v.. có những lá cờ đỏ tung bay trên những ngọn cây cao vút, có những hàng cờ cắm trên bè chuối đủng đỉnh trôi theo các dòng sông, có những chuỗi cờ đỏ chói đầy các hàng dây thép… Tuyệt nhất là trên nóc các đồn bốt và nhà tù cũng có cờ!

Những lá cờ báo hiệu đấu tranh ấy đã làm cho nhân dân ta phấn khởi, và làm cho bọn thực dân Pháp hoảng sợ điên người.

Đấu tranh bằng cách treo cờ không phải hình thức riêng của cách mạng Việt Nam, mà nó cũng là hình thức chung của các dân tộc khác. Chuyện sau đây chứng tỏ điều đó:

Gần bảy năm chiến tranh xâm lược không có kết quả, và e sợ lại bị một Điện Biên Phủ ở Bắc Phi, thực dân Pháp buộc phải đàm phán với Angiêri. Nhưng Chính phủ Đờ Gôn lại ôm ấp âm mưu chia cắt nước Angiêri. Chúng âm mưu cắt khỏi Angiêri xứ Xahara là nơi nhiều mỏ dầu hỏa và vùng ven biển là nơi nhiều kiều dân người Âu.

Ủng hộ Chính phủ lâm thời Angiêri chống lại âm mưu chia cắt, hôm 5-7, khắp các thành phố Angiêri có những cuộc tổng bãi công, bãi thị và biểu tình khổng lồ. Chỉ ở Côngstăngtin đã có hơn 30.000 người tham gia. Quân đội thực dân đã bắn chết hơn 50 người và bắn hơn 300 người bị thương, trong số người bị nạn có nhiều đàn bà và trẻ em.

Trước đây kháng chiến sôi nổi ở nông thôn. Ngày nay thành thị cũng trực tiếp tham gia kháng chiến.

Một điều rất cảm động là những người Angiêri yêu nước bị giam trong 147 nhà tù ở Pháp cũng đều tham gia ngày “5-7” bằng cách không chịu ăn uống suốt ngày hôm đó.

Trên nóc nhà tù thị xã Caen (ở Pháp) hai lá cờ Angiêri ngạo nghễ tung bay. Những lá cờ ấy ở đâu ra?

Người nữ anh hùng Giamila Bupacha cùng những chị em Angiêri bị giam ở nhà tù Caen - đã xé áo, xé yếm của họ và bí mật may những lá cờ oanh liệt ấy. Từ 8 giờ sáng đến 1 giờ chiều, hai lá cờ phấp phới như hai bàn tay của Tổ quốc xa xăm đang ra hiệu cho những người Angiêri anh dũng: “Các con cứ hăng hái tiến tới! Thắng lợi nhất định về tay ta!”.

T.L.

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 2688, ngày 31-7-1961, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.170-171.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.