Ngày xưa, người Anh thường tự hào rằng: “Lá cờ nước Anh không bao giờ thấy mặt trời lặn”. Thật vậy, vì Anh có thuộc địa khắp thế giới, cho nên lá cờ Anh luôn luôn trông thấy mặt trời.

Nhưng mươi năm lại đây, câu ấy không đúng nữa: Nhiều thuộc địa cũ của Anh như Ấn Độ, Diến Điện, Xây Lan đã giành được độc lập, tự do. Mặt trời các nước ấy không phải nhìn lá cờ Anh nữa.

Từ hôm 13-6, mặt trời và lá cờ Anh lại thêm xa cách nhau. Hãng thông tấn Mỹ U.P. cho biết rằng: Hôm đó, “khi mặt trời lặn, lá cờ Anh đã lặng lẽ hạ xuống lần cuối cùng ở Port Said, không trống không kèn…”.

Port Said là một cửa bể của Ê-gyp, bị Anh chiếm đã 155 năm. Nay Anh phải trả lại cho Ê-gyp.

Sáng ngày 13-6, khi mặt trời chưa lên, quân đội Anh lên tàu rời khỏi Port Said. Viên tư lệnh Anh đoái trông đồn cũ lầu xưa, và ngậm ngùi nói: “Hôm nay là một ngày xúi quẩy cho chúng ta!”.

Nhưng đối với nhân dân Ê-gyp thì hôm ấy lại là một ngày vui sướng vì non sông đã hoàn toàn giải phóng, không còn có bóng cờ của nước ngoại xâm phất phơ trên đất nước mình.

Quân đội Anh rời Port Said, nhưng không kéo về nước mẹ. Họ kéo đến đảo Síp, là đất đai của nước Grê-xơ, đang có quân đội Anh chiếm đóng ở đó.

Cùng hôm ấy, như để chuẩn bị hoan nghênh quân đội từ Port Said đến, quân đội Anh ở Síp đã khám xét nhà tu viện ở đó, bắt vị viện trưởng và 5 tu sĩ mang đi. Chắc bà con ta còn nhớ: Cách đây không lâu, đức giám mục ở Síp đã bị người Anh đày đến một hòn đảo gần phía Đông châu Phi. Hiện nay, nhân dân Síp đang sôi nổi chống Anh, và mong một ngày gần đây mặt trời của họ cũng khỏi phải nhìn lá cờ Anh, như mặt trời ở Port Said.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 840, ngày 22-6-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.