Cái thói xấu “phân biệt màu da” của người Mỹ da trắng làm cho 16 triệu người Mỹ da đen nhục nhã và căm tức. Nhất là ở miền Nam nước Mỹ, liên tiếp có những vụ người Mỹ da trắng giết người Mỹ da đen, mà được tòa án tha bổng. Việc cô nữ học sinh da đen bị học sinh da trắng ở A-la-ba-ma ngược đãi và tẩy chay, đã làm dư luận các nước xôn xao.

Người Mỹ da trắng đày đọa người Mỹ da đen về mọi mặt. Vài thí dụ:

- Về kinh tế. Người Mỹ da trắng dùng chính sách “Khi nhiều công việc, thì người da đen được chủ thuê sau hết. Khi ít công việc, thì người da đen bị thải trước tiên”.

- Về xã hội. Ngoài những sự khinh rẻ khác, các xe chở khách chia làm hai khoang. Mỹ da đen không được ngồi khoang dành riêng cho Mỹ da trắng. Song Mỹ da trắng thì có quyền choán hết chỗ của Mỹ da đen.

Cũng có người Mỹ da trắng tốt với người Mỹ da đen. Những người Mỹ đó thường bị người Mỹ da trắng coi là “phản chủng”. Và người Mỹ da đen cũng không luôn luôn cúi đầu chịu ngược đãi. Họ tìm cách chống lại:

Ngày 1 tháng 12 năm ngoái, một phụ nữ da đen không chịu nhường chỗ cho Mỹ da trắng, đã bị bắt và bị phạt. Dưới sự lãnh đạo của 100 vị linh mục, toàn thể người da đen trong thành phố Mông-gô-mêry đã tẩy chay, quyết không đi xe của công ty Mỹ da trắng. Các vị linh mục ấy đã bị bắt, nhưng cuộc tẩy chay vẫn kéo dài đến nay. Người Mỹ da đen khắp cả nước chuẩn bị một cuộc tổng bãi công trong một tiếng đồng hồ vào ngày 28-3-1956, để chống lại chính sách khủng bố của người Mỹ da trắng.

Mỹ da trắng áp bức. Mỹ da đen chống lại. Đen, trắng thật rõ ràng. Thế mà người Mỹ da trắng không thấy. Họ cho rằng người Mỹ da đen bị cộng sản tuyên truyền xui giục, và họ đang mở cuộc điều tra “sự hoạt động của Mạc Tư Khoa trong “đám người Mỹ da đen””. Thật là kiểu Mỹ!

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 756, ngày 29-3-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.