Tỉnh Hà Nam - 87% là đồi núi. Đất cao quá mặt biển hơn 1.500 thước. Khí hậu khô khan, thường có gió bấc thổi cát phủ lên ruộng. Thường năm, đến mùa Đông mùa Xuân, thì hạn; đến mùa Hè mùa Thu thì lụt. Dân thường bị đói kém, cho nên có câu ca dao:

Năm năm hạn lụt tai hoang,

Nhà nhà đói khổ, làng làng xác xơ!”.

Sớm ăn cám, trưa ngậm nước sôi,

Tối ăn cháo lỏng, trăng soi đáy nồi”.

Lịch sử địa phương có ghi chép: “Đến mùa Hè, dân ăn hết vỏ cây rễ cỏ, rồi chết đói hàng vạn người”. Ngày nay người Hà Nam còn nhắc lại rằng từ năm 1937 đến năm 1945, đã chết đói hàng chục vạn người.

Đảng và Chính phủ đã ra sức trị thủy sông Hoài và Hoàng Hà, nạn hạn và nạn lụt đã đỡ. Nhưng mỗi năm vẫn còn những vùng bị lụt, vì những công trình thủy lợi quy mô lớn cũng không ngăn được nước tràn xuống vùng hạ du. Chỉ có cách làm thật nhiều thủy nông nhỏ, mới thật sự chống được hạn và lụt cho khắp cả tỉnh.

(Hiện nay, ruộng đất do đại thủy nông tưới là 14 triệu mẫu, tức là non 13%; do tiểu thủy nông tưới là 92 triệu mẫu, tức là hơn 87%).

Năm 1955, trong sáu tháng, nông dân đã đào được hơn một triệu cái giếng, tưới cho năm triệu mẫu, nhưng vẫn chưa thấm thía vào đâu.

Muốn làm tiểu thủy nông khắp tỉnh là một việc có nhiều khó khăn: Công việc to. Kinh nghiệm ít. Nhân dân nghèo, thiếu lương thực. Nông dân còn sợ sức thiên nhiên, và quen thói “trời cho ăn thì được ăn, trời bắt đói thì chịu đói”. Nghe nói đưa nước lên đồi lên núi, thì nhiều người cho là hoang đường.

Do ảnh hưởng chỉnh phong, cuối năm 1957, Tỉnh ủy đề ra cho toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh thảo luận kế hoạch thủy lợi, gồm hai điểm: quy mô nhỏ là chính, dân tự làm là chính. Thảo luận sôi nổi suốt một tháng; cuối cùng nhân dân thông suốt và tán thành. Từ đó, làm thủy nông nhỏ trở nên một phong trào rầm rộ khắp các nông thôn trong tỉnh.

Tháng 9-1957, Tỉnh ủy định kế hoạch làm thủy nông từ thu đông năm 1957 đến thu đông 1958 là 1.400.000 mẫu. Nhưng đến cuối tháng 1-1958, nông dân đã làm được 1.220.000 mẫu. Nhân đà hăng hái ấy, tỉnh nâng kế hoạch lên bốn triệu mẫu. Đến cuối tháng 3, nông dân lại đột phá mức đã định, và yêu cầu tăng thêm bốn triệu mẫu nữa. Cuối cùng, kế hoạch đặt cho năm nay 10 triệu mẫu. Nông dân Hà Nam chắc rằng họ sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch mới.

So với số thủy nông đã làm từ hai năm trước đến cuối năm ngoái cộng lại, thì thủy nông năm nay sẽ nhiều gấp bảy lần.

Kết quả đầu tiên là: Năm ngoái tuy nắng hạn, nhưng cả tỉnh đã thu hoạch 5.500.000 tấn lương thực (năm 1949 chỉ được 2.300.000 tấn). Vì sao mà Hà Nam thu được thắng lợi ấy?

Vì lẽ rằng: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, Tỉnh ủy không kêu ca, không lùi bước, không ỷ lại vào Chính phủ, dựa hẳn vào quần chúng mà xây dựng thủy nông.

Năm năm trước, gặp đại hạn, Đảng kêu gọi làm tiểu thủy nông; quần chúng không khơi mương đào giếng, mà lại đưa nhau cúng bái để cầu thần, cầu phật làm mưa. Nông dân xã Định Tây đào một cái giếng sâu gần ba trượng, nước đã ùn lên đến hai trượng. Nhưng có người nói: “Đó là mắt rồng”. Dân làng sợ động mạch, bèn lấp quách giếng lại.

Những kinh nghiệm như thế là bài học rất thiết thực cho cán bộ. Muốn cách cái mệnh của thiên nhiên, thì trước hết phải cách cái mệnh tư tưởng của con người, nghĩa là phải tăng cường giáo dục về tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho quần chúng. Tư tưởng của quần chúng thông, lực lượng và trí tuệ của quần chúng sẽ vô cùng vô tận, khó khăn gì cũng vượt được, công việc to mấy cũng làm nên.

Sau đây là những công tác Tỉnh ủy Hà Nam đã làm, tôi tóm tắt nhắc lại để các đồng chí tham khảo.

- Muốn làm thủy nông, thì trước hết phải điều tra cho rõ nơi nào có nước và làm thế nào để lấy nước. Ra sức giáo dục, tuyên truyền, giải thích cho mọi người hiểu thật rõ phát triển thủy nông sẽ đưa lại cho họ những lợi ích gì. Đặt câu hỏi cho nông dân thảo luận và trả lời: Vì ai mà làm thủy nông? Thủy nông phải do ai làm?

- Trong lúc làm, cần phải bồi dưỡng những người, những đơn vị và những nơi kiểu mẫu. Khuyến khích mọi người so sánh thu hoạch của ruộng có nước với ruộng không có nước, so sánh những xã có thủy nông với những xã không có thủy nông, những vùng tiên tiến với những vùng lạc hậu.

- Phát động nông dân so sánh đời sống cực khổ ngày trước với đời sống khá hơn hiện nay.

- Lấy sự thực mà làm cho nông dân tin tưởng rằng có Đảng lãnh đạo thì chắc chắn “nhân định thắng thiên”.

Nói tóm lại: Làm cho nông dân tin chắc rằng họ nhất định cải tạo được điều kiện thiên nhiên; làm cho họ thấy hạnh phúc lâu dài sau này, để họ hăng hái khắc phục khó khăn, thi đua công tác. (Thí dụ: Bây giờ xuất công, xuất của để làm thủy nông, đến mùa thu hoạch sẽ lợi gấp đôi công và của đã xuất ra).

- Khi đã đánh thông tư tưởng của quần chúng, phát động quần chúng ra làm, thì cấp lãnh đạo phải tin hẳn vào lực lượng, sáng kiến và kinh nghiệm của quần chúng. Quần chúng đã ra tay làm, ra sức suy nghĩ, thì nhất định thực hiện được khẩu hiệu làm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Vài thí dụ:

Huyện Du Trung cần đắp một quãng đê dài 360 thước, đào một con mương dài 100 thước, và xây một cái cống. Các công trình sư tính đi tính lại, rồi kết luận sẽ tốn hết 1.100.000 đồng nhân dân tệ. Nhưng nông dân trong huyện chỉ dùng hai vạn ngày công và 5.000 đồng thì làm xong hết.

Con đê Trường Dịch dài 880 cây số. Nếu theo các công trình sư mà dùng xi măng thì sẽ tốn 51.000.000 đồng. Quần chúng đề nghị không dùng xi măng mà dùng thử “noãn thạch” sẵn có ở địa phương - chỉ tốn 3.400.000 đồng, mà đê vẫn rất tốt.

- Làm thủy nông chẳng những phải tốn công, mà còn phải tốn tiền. Cần phải giải quyết vấn đề tiền một cách hợp lý. Không nên chỉ ỷ lại vào Chính phủ và lòng hăng hái của nhân dân, mà phải tính toán một cách lâu dài, công bằng, hợp lý: Hợp tác xã nào được hưởng nước nhiều, thì góp tiền nhiều, ít thì góp ít; không được hưởng nước, thì miễn đóng góp. Làm như thế, quần chúng sẽ khỏi lo ngại hơn thiệt, đồng thời củng cố được lòng hăng hái làm thủy nông, thí dụ:

Năm nay, Tỉnh ủy định làm thủy nông đưa nước lên cho 2.650.000 mẫu ruộng vùng núi. So với công trình của năm 1957, thì kế hoạch này nhiều gấp 14 lần, so với kế hoạch cũ thì nhiều gấp bốn lần. Chỉ trong vài tuần lễ, nông dân đã góp được 110.000.000 đồng để chi tiêu vào công trình căn bản.

Hiện nay, nông dân chẳng những tự làm những tiểu thủy nông và trung thủy nông, mà phần nhiều đại thủy nông cũng do họ tự góp tiền góp sức ra làm. Như kênh Vũ San dài 150 cây số, đi qua 41 cái suối, dọc theo 59 cái hố sâu, đục xuyên qua 12 ngạch núi dài từ 10 đến 60 thước; kênh Diều Hà so với mặt biển cao 2.000 thước, dài 1.000 cây số... đều do nông dân tự làm lấy.

Do sự lãnh đạo chặt chẽ và nhiều kinh nghiệm, do lòng hăng hái và sự khéo léo của nông dân, Tỉnh ủy Hà Nam quyết định trong ba năm thì cả tỉnh làm xong kế hoạch thủy nông và trồng cây rừng.

Cũng vì phát triển tiểu thủy nông mà lương thực các tỉnh đều tăng rất nhiều, như:

Tỉnh Giang Tây, so với năm 1952, thì năm 1957 tăng 1.250.000 tấn lương thực. Về thủy nông, năm nay, Chính phủ Trung ương định cho Giang Tây làm 840.000 mẫu. Tỉnh ủy tính toán kỹ, nâng lên 1.640.000 mẫu. Nhưng nông dân các huyện yêu cầu làm hơn 2.480.000 mẫu.

Chi phí cho thủy nông là 61.290.000 đồng, trong số đó, nông dân tự đóng góp 42.290.000 đồng, Chính phủ chỉ phải xuất 19.000.000 đồng. Giang Tây quyết định từ nay đến năm 1960 sẽ căn bản tiêu diệt nạn hạn, và đến năm 1962 căn bản tiêu diệt nạn lụt.

Tỉnh Quảng Đông, trong kế hoạch 5 năm thứ nhất, đã tăng 2.750.000 tấn lương thực. Năm nay định tăng 3.000.000 tấn và cố gắng tăng nhiều hơn nữa. Hiện nay có 12 huyện thu hoạch mỗi mẫu tây từ 60 đến 75 tạ lương thực. Nơi nhiều nhất được 97 tạ. Ruộng thí nghiệm của hợp tác xã nông nghiệp Nam Điền Trung sản xuất mỗi mẫu tây 41 tấn 520 kilô (ruộng thí nghiệm của tổ đổi công chiến sĩ Trần Văn Tắc (xã Ngọc Sơn, Hải Dương) mỗi mẫu tây 60 tạ 21 kilô).

Tỉnh Thiên Tân, so với năm 1950, thì năm 1955 tăng 140.000 tấn; năm 1956 tăng 330.000 tấn; năm 1957 tăng 440.000 tấn.

TRẦN LỰC

-------------------------

- Báo Nhân Dân, số 1573, ngày 3-7-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.435-439.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.