Chỉ trong một thời gian 70 năm, quân đội Đức đã ba lần đánh chiếm nước Pháp. Ba lần, làng mạc Pháp bị đốt phá, nhân dân Pháp bị tàn sát, non sông Pháp bị điêu tàn.

Khắp nước Pháp hầu hết nhà nào cũng có ba đời bị quân Đức giết chết: Người ông bị trong cuộc chiến tranh 1870, người cha trong cuộc chiến tranh 1914, người con trong cuộc chiến tranh 1940. Thôn xóm nào cũng có bia ghi tên những người tử trận.

Quân Đức chiếm đóng Pháp đã phạm những tội ác cực kỳ ghê tởm. Thí dụ: Sau khi đã triệt hạ xã Ôrađua, chúng nhốt tất cả dân xã (già, trẻ, gái, trai không trừ một ai) vào một ngôi nhà thờ, rồi đốt chết hết...

Nhân dân Pháp đối với quân phiệt Đức có mối thù không đội trời chung.

Hiện nay, theo con số công khai, thì quân đội Tây Đức có hơn 350.000 binh sĩ; cứ 11 tên lính thì có một sĩ quan, 2.000 lính thì có một viên tướng. Quan và tướng đều đã từng ở trong đội ngũ phát xít Hítle, đều theo chủ nghĩa phục thù. Đó là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nước Pháp.

Thế mà vừa rồi, tướng Đờ Gôn (con người nổi tiếng yêu Pháp, ghét Đức, đã phải bỏ chạy sang Anh khi Đức chiếm Pháp trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai) đã thỏa thuận để cho 35.000 tên lục quân và không quân Tây Đức đến chiếm đóng và tập luyện ở mấy căn cứ quân sự trong nước Pháp.

Việc đó đã bắt đầu thực hiện. Hãng thông tin Mỹ UPI (27-10-1960) đăng tin: 60 chiếc xe hơi chở 200 lính Tây Đức đã rầm rộ kéo đến đóng ở hai căn cứ quân sự lớn tại miền Đông nước Pháp...

Ba lần trước, quân đội Đức phải chiến đấu để chiếm đất Pháp. Lần thứ tư này chúng không phải đánh chác gì mà cũng chiếm đóng được đất Pháp, vì Chính phủ Đờ Gôn đã mời chúng vào!

Vì sao Chính phủ Pháp đã làm một việc kỳ quặc và hèn hạ như vậy?

Có người nói: Đại tư bản phản động Pháp vì lợi ích riêng của giai cấp mà hy sinh lợi ích chung của dân tộc. Ngày xưa, mỗi khi công nhân Pháp có những hành động đối kháng, thì chính phủ tư sản phái lính thuộc địa đến đối phó. Nay Pháp đã mất hết thuộc địa, chúng hòng dựa vào quân đội Tây Đức để đàn áp công nhân. Đồng thời, chúng nhượng bộ với Tây Đức, để Tây Đức ủng hộ chúng trong cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Angiêri...

Dù sao, một dân tộc có truyền thống cách mạng anh dũng như nhân dân Pháp chắc sẽ không chịu để cho bọn phản động dễ dàng "cõng rắn cắn gà nhà".

T.L.

------------

- Báo Nhân Dân, số 2418, ngày 1-11-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.710-711.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.