.

Phong trào ấy đang phát triển rất sâu rộng ở Trung Quốc. Hàng vạn cán bộ cao cấp và trung cấp đã xung phong về nông thôn hoặc lên miền núi tham gia lao động. Thí dụ:

Ở Quảng Đông, 15 vạn cán bộ đã về nông thôn.
Ở Vân Nam, 9 vạn.
Ở Quảng Tây, 8.000 tức là một nửa số cán bộ của các cơ quan và trường học.

Ở tỉnh Triết Giang, ngoài số cán bộ đã tình nguyện đi tham gia lao động, lao động chân tay đã thành một chế độ ở năm trường đại học với 12 nghìn sinh viên và 476 trường trung học với 21 vạn học sinh. Các trường ấy, mỗi tuần lễ có 6 giờ tham gia sản xuất. Viện nông học thì viện trưởng và các giáo sư cùng học sinh cả Viện đến các nông trường vừa dạy, vừa học vừa tham gia sản xuất.

Nhiều trường trung học đã sắp xếp các môn học vào những ngày thứ hai đến thứ sáu, để ngày thứ bảy và ngày chủ nhật đi tham gia lao động chân tay.

Ngoài những ngày giờ lao động nói trên, thầy giáo và học sinh còn tự làm lấy những việc trong trường, như sửa chữa nhà cửa, bàn ghế…

Các em nhi đồng thì dành nửa ngày chủ nhật tham gia những công việc nhẹ ở nông thôn như làm cỏ, nhổ rau, bới khoai…

Sau mấy ngày tham gia lao động chân tay, kết quả đầu tiên là thầy giáo và học trò đều bắt đầu có quan điểm đúng đắn đối với lao động, dần dần sửa đổi tư tưởng sai lầm như xem khinh lao động chân tay và người lao động chân tay.

Sau một thời gian về lao động ở nông thôn, nhiều anh chị em trí thức đã phát biểu ý kiến: “So với thành thị thì sinh hoạt ở nông thôn tuy khó khăn hơn, nhưng nông thôn chính là nơi tốt nhất cho người trí thức tự rèn luyện và cải tạo mình. Chúng tôi quyết đưa hết lực lượng của mình để góp phần vào việc tăng gia sản xuất làm cho mỗi tấc đất của Tổ quốc trở nên một tấc vàng”.

Tháng Chạp năm ngoái, đồng chí Chu Ân Lai đến thăm một hợp tác xã nông nghiệp ở Triết Giang. Ở đó, có hơn 50 sinh viên đại học mới tốt nghiệp về tham gia sản xuất. Trả lời câu hỏi:

- Vì sao người trí thức cần phải rèn luyện bằng lao động chân tay?

- Thế nào mới là người trí thức của giai cấp công nhân?

Đồng chí Chu trả lời: “Mọi điều trí thức đều do lao động mà có. Người trí thức không trực tiếp lao động chân tay thì sẽ quên mất cội rễ, xem khinh lao động chân tay, đưa lao động chân tay và lao động trí óc đến chỗ đối lập với nhau. Đồng thời, người trí thức sẽ không trông thấy lực lượng tập thể của nhân dân lao động, rồi sinh ra tự kiêu tự đại, cho mình là giỏi hơn hết. Kết quả là xa rời nhân dân lao động, không thể hết lòng hết sức phục vụ nhân dân lao động. Vì lẽ đó, người trí thức cần phải qua một sự rèn luyện lâu dài, nhất là rèn luyện bằng lao động chân tay, để bồi dưỡng quan điểm quần chúng và quan điểm lao động, để kết hợp lao động trí óc với lao động chân tay, kết hợp trí tuệ của cá nhân với trí tuệ của tập thể.

Còn bao giờ thì sẽ cải tạo thành người trí thức của giai cấp công nhân? Điều đó không phải trải qua những khoá thi hoặc do cấp lãnh đạo quyết định. Nó phải xem tư tưởng và cảm tình của mình đã nhất trí với nhân dân lao động chưa? Mình đã hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân lao động chưa? Nó sẽ do quần chúng lao động phê chuẩn mà quyết định. Có người nhầm tưởng rằng chỉ về nông thôn ít tháng, “quét qua một lớp sơn” thế đã là người trí thức của giai cấp công nhân. Tưởng như vậy là chủ nghĩa hình thức, là tư tưởng của giai cấp tư sản”.

Đồng chí Chu nói tiếp: “Sau này các em nhất định sẽ tiến bộ hơn những người lớp trước như chúng tôi. Các em sẽ đi vào thế kỷ thứ XXI tham gia xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Đảng và Chính phủ đã tạo cho thanh niên một hoàn cảnh thuận lợi; nhưng mỗi thanh niên cần phải tự giác, phải kiên trì lâu dài để tiến bộ mãi. Các em cần nhớ rằng: ai không tiến bộ thì sẽ bị đào thải…”.

Phong trào kết hợp lao động trí óc với lao động chân tay ở các nước anh em khác cũng có. Thí dụ: Liên Xô đang thí nghiệm ở 10 trường trung học kế hoạch giáo dục mới như sau: Một nửa thời gian học ở trường, một nửa thời gian học sinh đến thực tập ở các nông trường, nhà máy… Các lớp thứ 9 và thứ 10 ở thành thị thì mỗi tuần học ở trường 3 ngày, những ngày khác thì tham gia sản xuất. Đến kỳ thi, ngoài những môn đã học ở trường, còn phải thi về môn kỹ thuật lao động.

Bắc Kinh, 10-1-1958

TRẦN LỰC

---------

Báo Nhân Dân, số 1407, ngày 15-1-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.