Tình cờ thấy hai chuyện sau đây, xin kể lại cho bà con nghe, nhất là cho các bạn thanh niên nghe:

- Chuyện số 1 - Đồng chí binh nhì Dương Thắng, ở xã Phú Trạch, được đơn vị cho phép về quê cưới vợ. Mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, thì bỗng có báo động. Máy bay địch từ ngoài biển xông vào.

Thắng lập tức chạy đến gặp đội trưởng dân quân xã, xin tham gia chiến đấu... Trận chiến đấu kết thúc. Thắng về nhà. Bà con hỏi: "Tối nay có thể tổ chức lễ cưới chưa?".

Thắng bàn với vợ chưa cưới là đồng chí Hảo: "Hai chúng ta đều là đoàn viên và quân nhân. Lúc này mà bày ra việc cưới xin thì chưa tiện. Chúng ta tạm hoãn lại vậy. Ý em thế nào?".

Đồng chí Hảo suy nghĩ một lát, rồi vui vẻ tán thành.

Tối hôm đó, cả hai đồng chí đi họp hội nghị dân quân; suốt ngày hôm sau, cùng đội dân quân đi đào công sự. Hết hạn phép, Thắng về đơn vị đúng ngày.

Tiễn người yêu lên đường, chị Hảo khuyên Thắng: "Anh đi an tâm, làm tròn nhiệm vụ, cố gắng lập nhiều chiến công!".

Thắng cũng ân cần dặn dò Hảo: "Em ở nhà cố gắng xứng đáng là một đoàn viên, một dân quân... Còn ngày vui của đôi ta, thì chúng ta thông cảm với nhau, thế là tốt"[1]. Thật là:

Việc công trước, việc tư sau,

Chữ duyên càng đượm, càng sâu chữ tình!

- Chuyện số 2 - Cô Phạm Thị Kim Th., chủ nhiệm cửa hàng hợp tác xã mua bán và cậu Phi Mạnh B., sinh viên Đại học Y dược, kết duyên Châu Trần. Hai người cùng ở xã Đông Lĩnh (Phú Thọ). Lễ cưới đã "tiết kiệm" như sau:

54 cân thịt lợn,

20 cân thịt trâu,

15 cân thịt gà,

20 cân cá,

80 lít rượu,

120 chiếc bánh chưng,

50 tút thuốc lá Hữu Nghị,

30 lọ hoa,

400 tờ thiếp mời in bằng giấy nhũ, có đính hoa, khắc chữ lồng, vẽ chim bồ câu, mỗi tờ giá 1 đồng.

Tạm tính các khoản chi phí với giá rẻ, thì lễ cưới này cũng tốn độ 1.050 đồng. Ngoài ra còn phải 20 người phục vụ cho lễ cưới trong ba ngày... Xin hỏi:

Cô cán bộ, cậu sinh viên,

Xa hoa lãng phí, không phiền lòng ru?

Kể xong chuyện này, báo Phú Thọ (26-2-1965) hỏi một cách mỉa mai: "Không biết cơ quan, chính quyền cùng đoàn thể thanh niên và phụ nữ xã Đông Lĩnh có tham dự lễ cưới này không?".

Cần phải nói rằng việc làm lỗi thời và đáng chê trách như cô Th. và cậu B., chỉ là rất ít, rất ít thôi. Còn tác phong đúng đắn như hai đồng chí Thắng và Hảo là tuyệt đại đa số trong thanh niên ta.

Hiện nay, thanh niên miền Nam gái cũng như trai, người thì vào đội du kích, người thì vào Giải phóng quân, đều hăng hái tham gia đánh đế quốc Mỹ xâm lược và lũ tay sai.

miền Bắc, đã có hơn một triệu đoàn viên và thanh niên tình nguyện thực hiện "Ba sẵn sàng". Mấy chục vạn thanh niên tuy chưa đến tuổi, đã xin vào bộ đội. Hàng vạn chiến sĩ thanh niên đã hết hạn nghĩa vụ quân sự, đều tình nguyện ở lại bộ đội để chiến đấu cho đến ngày tống cổ hết giặc Mỹ ra khỏi đất nước ta.

Hoan hô những đoàn viên và thanh niên anh dũng!

Một lòng bảo vệ nước nhà,

Thanh niên như thế, mới là thanh niên!

CHIẾN SĨ

--------------------

- Báo Nhân Dân, số 4009, ngày 25-3-1965, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.14, tr.513-515.

[1]. Tài liệu của báo Tiền phong, ngày 14-3-1965 (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.