Đầu tháng 7, dưới đầu đề “Cuộc đi thăm thất vọng”, các báo Mỹ đăng tin:

Ngoại trưởng Pháp là ông Pi-nô sang thăm Mỹ.

Để tỏ ý tôn trọng người khách quý, Quốc hội Mỹ mời ông Pi đến diễn thuyết.

Đến ngày hẹn, ông Gioóc (Chủ tịch Ủy ban ngoại giao của Quốc hội Mỹ) đi đón ông Pi. Ông Pi đã chuẩn bị sẵn và đã phát cho các báo một bài diễn thuyết rất thấm thía và rất hùng hồn, đại ý nói:

“Thưa các vị đại biểu tôn kính! Tôi trân trọng thay mặt chính phủ Pháp chuyển lời chào nhiệt liệt đến Quốc hội và chính phủ Mỹ. Hai nước chúng ta là đồng minh khăng khít, và…”.

Khi đến nơi, chỉ thấy lơ thơ 12 người trong Quốc hội. Tưởng rằng mình đến quá sớm chăng, ông Pi liếc xem đồng hồ thì thấy rất đúng giờ đã hẹn, không sai một phút.

Trong lúc chờ đợi, ông Gioóc và ông Pi nói chuyện đồng hoang sang chuyện đồng rậm để “giết thời giờ”. Riêng ông Pi thì ôn lại trong óc cái bài diễn thuyết hùng hồn của mình.

15 phút trôi qua, rồi 30 phút, rồi 1 giờ, 1 giờ rưỡi… Suốt ruột, mỗi lần ông Pi liếc xem đồng hồ thì thấy giờ phút có thêm, nhưng liếc xem phòng Quốc hội, thì vẫn vẻn vẹn 12 vị kia, không thêm không bớt!

Chờ mãi, chờ mãi, rồi nghĩ rằng không lẽ một người khách quý mà chỉ diễn thuyết cho 12 người nghe, ông Gioóc sượng sùng nói với ông Pi: “Thôi thì chúng ta hãy đi chén cơm trưa vậy”.

Chén xong, hai người chủ và khách ngại ngùng bắt tay nhau và “Good bye!”.

Kết luận: Về phía ông Pi-nô thì:

Đi không rồi lại về không,
Uổng bài diễn thuyết, uổng công đợi chờ.

Về phía Quốc hội Mỹ thì:

Không thích nghe, ai bảo họ mời
Đã mời, rồi lại phụ lời, không nghe.

Ngoại giao theo kiểu gang-ste![1]

C.B.

---------

[1] Tiếng Anh: Gangster là bọn du côn

Báo Nhân Dân, số 869, ngày 21-7-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.