Lênin nói: Chủ nghĩa xã hội là do quần chúng nhân dân tự mình xây dựng nên.

Và: Một trong những nhiệm vụ căn bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa là phải nâng năng suất lao động cao hơn năng suất của chủ nghĩa tư bản.

Để thực hiện mục đích ấy, Lênin rất chú trọng kỷ luật lao động. Người nói: Những người lao động cần phải có kỷ luật lao động nghiêm chỉnh. Đó là một kỷ luật tự nguyện tự giác, một kỷ luật giữa đồng chí với nhau, nhằm nâng cao tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của mọi người.

Để nâng cao năng suất lao động, công nhân xe lửa Mátxcơva là những người đầu tiên nêu sáng kiến làm "Ngày thứ bảy cộng sản chủ nghĩa", tức là mỗi tuần, lao động ngày thứ bảy không lấy tiền công.

Đó là hình thức thi đua đầu tiên. Nhận rõ tương lai to lớn của phong trào thi đua, Lênin đề nghị Đại hội lần thứ IX của Đảng thông qua nghị quyết: Từ ngày 1-5-1920 sẽ phát động "Ngày lao động xã hội chủ nghĩa" khắp cả nước. Nghị quyết của Đảng đã biến thành quyết tâm của quần chúng. Hôm 1-5-1920, do đảng viên dẫn đầu, hơn 50 vạn người ở Mátxcơva đã xung phong lao động xã hội chủ nghĩa. Ở các thành phố khác cũng vậy, Lênin và các lãnh tụ Đảng và Chính phủ cũng tham gia, làm cho quần chúng thêm hăng hái.

Năm 1919-1920 là lúc cực kỳ gay go cho nhân dân Liên Xô: Quân đội mười bốn nước đế quốc tấn công bốn phía. Bọn phản động làm loạn khắp nơi. Nạn dịch tễ và đói kém tràn lan. Mỗi công nhân mỗi ngày chỉ được 50 gam bánh mì. Nguyên liệu, vật liệu thiếu thốn. Giao thông vận tải bế tắc, v.v.. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lênin, nhân dân Liên Xô kiên quyết vượt mọi khó khăn, gian khổ để giữ gìn Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nguyên là một nước kinh tế lạc hậu, trong bốn mươi năm Liên Xô lại bị sự tàn phá kinh khủng của mười bốn năm chiến tranh. Chỉ trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, phát xít Đức đã đốt phá của Liên Xô hơn 1.700 thành phố, hơn 7 vạn làng mạc, 25 triệu người đã bơ vơ không có nhà ở. Mấy triệu người đã bị giết chết. Thiệt hại về vật chất hơn 500 tỉ đồng rúp.

Nghe theo lời dạy của Lênin và của Đảng, gần hai mươi năm nhân dân Liên Xô đã thắt lưng buộc bụng, chịu cực chịu khổ, ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Kết quả là ngày nay, Liên Xô chẳng những là một nước giàu mạnh bậc nhất thế giới mà năm nay còn giúp tiền bạc, máy móc và kỹ thuật cho hai mươi hai nước xây dựng 383 xí nghiệp to.

Hình thức thi đua bắt đầu từ "Ngày thứ bảy cộng sản chủ nghĩa" tiến lên những "đội tiên phong", rồi tiến lên phong trào Xtakhanốp. Hiện nay, hình thức thi đua là "Đội lao động cộng sản chủ nghĩa". Một ví dụ: Đội của đồng chí Goócbátcô gồm có 33 người làm ở Nhà máy Kháccốp. Trong đội có những thợ giỏi và những người thợ mới học nghề, có đảng viên và người ngoài Đảng. Cả đội đã ký quyết tâm thư, tóm tắt như sau:

- Mỗi ngày làm vượt mức 126%,

- Cố gắng cải tiến kỹ thuật 25%,

- Trong kế hoạch 7 năm, nâng năng suất lao động gấp đôi,

- Tiết kiệm 20 vạn đồng rúp cho nhà máy,

- Tuỳ theo khả năng, mỗi người theo học một lớp sau ngày làm việc,

- Giữ gìn nghiêm chỉnh các luật lệ xã hội, không cãi cọ, to tiếng với ai, giúp đỡ đồng chí, kính trọng người già...

Hơn một năm nay họ luôn làm đúng những điều đó và họ hứa sẽ hoàn thành kế hoạch 7 năm trước thời hạn hai năm.

Đến tháng Giêng năm nay đã có hơn 20 vạn đội gồm hơn 3 triệu công nhân và nông dân tham gia phong trào và 1 vạn 2 nghìn đội đã có vinh dự được nhận danh hiệu là Đội lao động cộng sản chủ nghĩa.

T.L.

-----------------------

- Báo Nhân Dân, số 2229, ngày 25-4-1960, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.568-570.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.