Mười năm trước đây, hôm 22-6-1941, phát xít Đức bất thình lình ào ạt tiến công Liên Xô.

Sau khi đánh bẹp Pháp và làm chúa phần lớn lục địa châu Âu, Đức phát xít dốc hầu hết sức người và sức của đánh Liên Xô. Trên mặt trận dài 1.500 cây số, Đức dùng đến 257 sư đoàn. Có những nơi, trong một cây số, Đức dùng gần 150 xe tăng và 200 súng lớn.

Song, "vỏ quýt dày, có móng tay nhọn". Quân và dân Liên Xô kháng chiến cực kỳ dũng cảm, với một tinh thần quyết thắng, Mạc Tư Khoa, Lêningrát, Xtalingrát, v.v., là những gương chói sáng đến muôn thu và khắp thế giới tinh thần kháng chiến vĩ đại của Liên Xô.

Lêningrát bị vây chặt từ mùa Thu 1941. Suốt ngày đêm, máy bay và súng lớn địch bắn phá không ngừng. Nhà cửa tan tành. Nhân dân đói, rét, chết. Nhưng càng gian khổ, chí khí của quân và dân càng hăng. Kết quả là mùa Xuân 1944, Lêningrát được giải phóng. Ngoại ô Lêningrát trở thành một bãi tha ma chôn vùi lũ Đức xâm lăng.

Mc Tư Khoa bị 51 sư đoàn Đức bao vây. Toàn dân Mạc Tư Khoa, gái trai già trẻ, đều tham gia việc giữ thành chống giặc. 12 vạn thanh niên nam nữ vào đội tự vệ thành, cùng Hồng quân đánh giặc. Ngày 2-10-1941, Hítle tuyên bố đến 7-11 (ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười), hắn sẽ duyệt binh trong Mạc Tư Khoa. Song đến ngày ấy, Hítle và quân đội Đức bị đánh lui, và quân dân Mạc Tư Khoa thắng trận, biểu tình trước Thống chế Xtalin.

Đêm lẫn ngày, 1.500 súng lớn và hàng trăm máy bay Đức dội bom đạn vào Xtalingrát. Thành bị đào sâu hóa ra hào. Hào bị lấp cao hóa ra thành. Sau khi giải phóng, tính lại ở đó, Hồng quân đã hy sinh 46.700 người. Quân địch chết 147.200 tên, bị bắt 110.000 tên, trong đó có cả viên tư lệnh Đức là Thống chế Phôn Pôluýt (Von Paulus) và 26 tướng Đức khác. Con số ấy đủ tỏ cuộc chiến đấu gay go thế nào, và quân dân Liên Xô anh dũng thế nào.

Trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức, du kích Liên Xô đã giữ một địa vị vẻ vang và đã làm tròn nhiệm vụ của họ: Luôn luôn làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên, luôn luôn quấy rối chúng, tiêu diệt chúng, phá hoại chúng. Ngoài những anh hùng du kích như Kốppác (Kovpak), Phêđêrốp (Féderov), v.v., có những nữ anh hùng như Dôia (Zoia), thiếu nhi anh hùng như Sêkalin (Chékaline), mà quân địch nghe tên đã rùng mình, nhân dân cả nước đều khen ngợi. Ở hậu phương, với phong trào thi đua, công nhân và nông dân đã hăng hái tăng gia sản xuất, cung cấp đầy đủ vũ khí, và lương thực cho bộ đội. Ngoài công lương, công trái, nông dân còn quyên giúp bộ đội hơn 20.000 triệu đồng rúp và nhiều quà khác. Trong phong trào thi đua và quyên giúp, thường thường phụ nữ và thanh niên là người xung phong.

Những người lao động trí óc thi đua phát triển khoa học để phụng sự kháng chiến. Ngành thuốc thì có những chiến sĩ như ông Buốcđencô (Bourdenko), công nghiệp như ông Bácđin (Bardine), nông nghiệp như ông Lítxencô (Lyssenko), văn nghệ như ông Erenbua (Erhenbourg), v.v..

Sau 4 năm kháng chiến anh dũng, ngày 2-5-1944, Hồng quân chiếm Béclanh, Thủ đô nước Đức. Thế là Liên Xô hoàn toàn thắng lợi.

Năm 1918 - 1920, khi cách mạng mới thành công, Liên Xô đã đánh thắng quân đội 14 đế quốc liên kết với lũ Nga gian. Nhờ hơn 20 năm xây dựng, Liên Xô lại toàn thắng trong cuộc chiến tranh to nhất và khủng khiếp nhất của lịch sử loài người từ trước tới nay.

Liên Xô đạt được thắng lợi ấy là vì:

1- Chế độ chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội của Liên Xô rất vững chắc.

2- Quân và dân Liên Xô rất kiên quyết dũng cảm, rất đoàn kết, nhất trí.

3- Sự lãnh đạo của Thống chế Xtalin và Đảng Cộng sản Liên Xô rất sáng suốt.

4- Nhân dân lao động toàn thế giới nhiệt liệt đồng tình với Liên Xô.

Ngay sau cuộc kháng chiến, Liên Xô bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ 4 mà hiện nay, đã hoàn thành vượt mức. Lực lượng và uy tín của Liên Xô ngày càng to lớn, làm cho phe dân chủ hòa bình thế giới ngày càng mạnh thêm.

Sáu năm trước, phe phát xít Đức đã bị tiêu diệt. Ngày nay, nếu phe phát xít Mỹ lăm le mở Chiến tranh thế giới thứ ba để xâm phạm Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, diễn lại ngày 22-6, thì Liên Xô và phe dân chủ nhất định sẽ có lại ngày 2-5.

C.B.

--------

- Báo Nhân Dân, số 13, ngày 21-6-1951, tr.1, 4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 99-101.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.