Vụ này, số đông nông dân đã được chia ruộng đất, lúa và hoa màu khá tốt. Thuế nông nghiệp lại được giảm nhẹ một phần.

Chính sách của Đảng và Chính phủ là nhằm nâng cao dần đời sống của nhân dân, đồng thời giảm nhẹ dần sự đóng góp của nhân dân. Hai việc ấy như có mâu thuẫn với nhau. Mâu thuẫn ấy sẽ giải quyết được bằng cách thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm.

Trước hết là tăng gia sản xuất lương thực.

Để nông dân hăng hái tăng gia sản xuất, ắt phải cải cách ruộng đất, làm cho người cày có ruộng. Đã có ruộng, nông dân cần phải xây dựng những tổ đổi công tốt, để giúp nhau tăng gia.

Để khuyến khích nông dân tăng gia, Chính phủ lại định ra biểu thuế mới, có lợi cho nông dân:

- Giản đơn hơn - Biểu thuế cũ có 41 bậc. Biểu thuế mới chỉ có 27 bậc. Như vậy, việc tính thuế dễ dàng hơn cho cán bộ và nông dân.

- Thuế nhẹ hơn - Từ bậc 4 trở đi, đều giảm nhẹ hơn trước. Thí dụ:

1 người thu hoạch 200 ký, trước nộp thuế 23 ký, nay chỉ nộp 22 ký.

1 người thu hoạch 500 ký, trước nộp thuế 109 ký, nay chỉ nộp 90 ký.

1 người thu hoạch 700 ký, trước nộp thuế 290 ký, nay chỉ nộp 161 ký.

… Thu hoạch càng nhiều, số thuế được giảm cũng càng nhiều.

- Trước và nay - Trước cải cách ruộng đất, nông dân bị địa chủ bóc lột nặng nề, đời sống chật vật. Thí dụ: nông hộ A có 5 người, cày rẽ của địa chủ 2 mẫu, thu hoạch được 1.600 ký, phải nộp tô hết 600 ký, còn 1.000 ký; nộp thuế 69 ký, cả nhà còn 931 ký. Chia cho 5 người, mỗi người chỉ được 186 ký.

Sau cải cách ruộng đất, nông hộ A được chia ruộng, hăng hái tăng gia lên 1.800 ký. Không phải nộp tô nữa. Nhờ ổn định sản lượng 3 năm, thuế chỉ tính vào 1.600 ký là 224 ký. Nộp thuế xong, cả nhà còn 1.576 ký, tức là mỗi người được 315 ký.

Vì vậy, đồng bào nông dân càng hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, quyết làm đúng mức và vượt mức Kế hoạch Nhà nước năm 1956.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 771, ngày 13-4-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.