Luân Đôn là thủ đô nước Anh có hơn 7 triệu người, tức là 1 phần 6 nhân dân toàn quốc. Những phố xá sang trọng trưng bày đầy những thứ ăn mặc rất đẹp đẽ. Song nhân dân lao động chỉ nhìn cho đỡ thèm, không có tiền mà mua. So với trước Đại chiến thứ hai, giá hàng hóa đều tăng gấp đôi và gấp 6 lần.
Chỉ tính trong 1 tháng, gia đình công nhân đã thiếu 750 vạn khẩu phần mỡ, 610 vạn khẩu phần thịt.
Một đại biểu Quốc hội Anh đã nói: “Nhà giàu đã ăn mất phần thịt của trẻ con nhà nghèo!”.
Công ty bán áo đã tuyên bố: So với năm 1951 thì năm 1952, công nhân Luân Đôn mua áo quần đã kém 25 triệu bạc Anh (độ 75 nghìn triệu đồng bạc Việt Nam). Mà năm 1953 thì còn kém hơn nữa.
Hai điều trên chứng tỏ rằng: công nhân Anh đói rét. Vì vậy mà đầu tháng 12-1953, hơn 2 triệu rưỡi công nhân đã bãi công, để đòi tăng lương.
Nhân dân Anh biết rằng: Vì Chính phủ phản động Anh theo Mỹ, chạy đua binh bị, bao nhiêu tiền bạc đều trút vào đó, do đó mà thêm nghèo nàn. Cho nên phong trào chống Mỹ lan khắp nhân dân. Báo chí Mỹ đã phải nhận rằng: “Vì bệnh điên cuồng chống cộng của Mỹ, mà người Anh cho là Mỹ uy hiếp hòa bình thế giới”.
Luân Đôn còn mắc một tai nạn nữa, là sương mù. Sương mù mờ mịt, ban ngày cũng tối như ban đêm. Nó gây ra hai thứ tai họa: Người đi đường bị ngã chết hoặc bị xe cán chết, và bệnh ngạt thở. Trong 1 tuần lễ, vì sương mù mà có hơn 4.000 người chết. Các nhà khoa học đề ra cách chống nạn sương mù, nhưng Chính phủ Anh không cho tiền để thực hiện.
Thế là đế quốc Anh:
Có tiền chuẩn bị chiến tranh,
Không tiền để cứu nhân dân nghèo nàn.
C.B.
------------
- Báo Nhân Dân, số 174, từ ngày 26 đến ngày 31-3-1954, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.446-447.