Muốn cải thiện đời sống thì trước phải khôi phục và phát triển kinh tế.

Muốn khôi phục và phát triển kinh tế thì phải thi đua tăng gia và tiết kiệm.

Muốn thi đua có kết quả tốt thì tiết kiệm và tăng gia phải đi đôi với nhau.

Công nhân ta hiểu rõ điều đó, cho nên trong các ngành và các đợt thi đua, anh chị em đều cố gắng và đã thu được kết quả khá về cả hai mặt tăng gia và tiết kiệm. Sau đây là vài kiểu mẫu:

- Công nhân Nhà máy xe lửa Hà Nội - Từ 22-5 đến 20-7, năng suất đã tăng từ 10 đến 60 phần 100. Đã tiết kiệm được hơn 5.280 giờ và 212 vạn đồng nguyên liệu, vật liệu.

- Công nhân Lộ Chí (Cẩm Phả) - Từ 1 đến 20-7 đã tiết kiệm được 31 tấn than, đã lợi dụng lúc rảnh mà thu nhặt được 29 toa xe hỏng, 150 kilô bùloong, 90 thước đường goòng, v.v..

- Công nhân Cẩm Phả - Đã vượt khó khăn, lắp lại máy trục và đường goòng.

Lúc đầu có người nói phải 6, 7 tháng, mới làm xong. Cán bộ cũng nói phải 45 ngày. Nhưng với sáng kiến và quyết tâm, anh chị em đã làm xong trong 20 ngày, tiết kiệm được hơn 1.170 công và hơn 832 vạn đồng nguyên liệu, vật liệu.

Đã sẵn lòng nồng nàn yêu nước và quyết tâm bền bỉ thi đua, nay lại có các nước bạn giúp máy móc và kỹ thuật, chắc rằng anh chị em lao động (trước tiên là công nhân) sẽ làm trọn nhiệm vụ vẻ vang là khôi phục và phát triển kinh tế nước nhà. Rồi do đó mà mọi người có công ăn việc làm, no cơm ấm áo, và tiến đến nước mạnh dân giàu.

Anh chị em công nhân hăng hái thi đua tăng gia và tiết kiệm, tức là góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước Việt Nam yêu quý của chúng ta.

C.B.

-----------

- Báo Nhân Dân, số 524, ngày 9-8-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.75-76.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.