Đã mấy hôm nay nhân dân Nam Triều Tiên, nhất là thanh niên và học sinh nổi lên chống Lý Thừa Vãn và đế quốc Mỹ.

Ở thủ đô Hán Thành, Mã San, Phủ San và nhiều nơi khác, hàng chục vạn nhân dân và học sinh biểu tình, bao vây quốc hội bù nhìn, hô đả đảo đế quốc Mỹ, đòi Lý Thừa Vãn từ chức.

Lý đã động viên nhiều cảnh sát và quân đội dùng máy bay, xe tăng đàn áp quần chúng biểu tình. Tin ngày 21 tháng 4 cho biết đã có hơn một trăm bốn mươi người chết và ba nghìn người bị thương.

Trước phong trào phản kháng sôi nổi của nhân dân Triều Tiên, đế quốc Mỹ lo âu, Chính phủ Mỹ và báo chí Mỹ đều chảy "nước mắt cá sấu". Giả nhân giả nghĩa, Chính phủ Mỹ bảo Lý: "Chớ làm quá tay, phải có biện pháp bảo vệ các quyền "dân chủ"".

Báo chí Mỹ thì nêu lên những nguyên nhân gây ra cuộc "rối loạn". Họ phải nhận rằng:

"Vì cuộc bầu cử vừa rồi là gian lận và đẫm máu; thủ lĩnh đảng đối lập bị ám sát; hơn một triệu phiếu bỏ cho Lý là phiếu giả. Người ứng cử thị trưởng của phe đối lập được số phiếu nhiều gấp mười lần, nhưng tên tay sai của Lý vẫn được "trúng cử"".

"Gần một phần ba nhân dân thất nghiệp. Vì sự chèn ép của hàng hóa Mỹ mà công nghiệp Nam Triều Tiên bị khủng hoảng nặng nề. Nhiều địa phương bị đói kém. Trong thời bình mà Lý chi tiêu hai phần ba ngân sách cho một quân đội khổng lồ dùng để khủng bố nhân dân. Nạn tham ô lan tràn suốt từ trên đến dưới trong bộ máy chính quyền…".

Tờ Thời báo Nữu Ước còn nói một cách rõ ràng tóm tắt hơn: "Lý là một tên độc tài, tàn bạo và ngu xuẩn. Nó đã hoàn toàn mất hết danh giá. Nhân dân Nam Triều Tiên không chịu được nữa".

Nếu che cái tên Tổng Vãn lại, thì người ta có thể tưởng rằng các báo Mỹ đã kể tội ác của Tổng Diệm.

Thử hỏi ai đã cung cấp tiền bạc, vũ trang và chuyên gia quân sự cho chúng? Ai giúp đỡ và ủng hộ chúng? Ai đã nặn chúng ra thành những tên độc tài phát xít đẫm máu?

Hôm 16 tháng 4, trước ngày nổ ra phong trào chống Mỹ và Lý, báo Mỹ đã hấp tấp đăng tin: "Tổng thống Mỹ sắp sang thăm Nam Triều Tiên là để tỏ lòng kính mến Lý Thừa Vãn. Lý xứng đáng với sự kính mến đó, vì Lý vừa được cử làm Tổng thống một lần nữa, và vì Lý cương quyết chống cộng".

Nếu Tổng thống Mỹ sang thăm Lý đúng lúc này thì hay lắm nhỉ!

Dù sao, nhân dân đã đoàn kết vùng dậy, thì đế quốc Mỹ cũng khó mà cứu vãn Lý Thừa Vãn và những bù nhìn như Vãn.

T.L.

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2227, ngày 23-4-1960, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.