Xây Lan là một nước thuộc địa cũ của Anh, mới được giải phóng mấy năm nay, có độ 8 triệu nhân dân ở trên một hòn đảo rộng lớn gần nước Ấn Độ.

Trong cuộc tổng tuyển cử vừa rồi, phe chính phủ (thân Mỹ) chỉ được 8 ghế đại biểu Quốc hội: Mặt trận dân tộc thống nhất đã thắng to - được đại đa số đại biểu quốc hội.

Thắng lợi ấy đã làm cho Mỹ và Anh rất lo sợ và phiền lòng. Để diễn tả tinh thần lo sợ ấy, báo chí Anh đã dùng những chữ "một số xiểng liểng..., choáng váng..., tai hại...,..." Báo chí Mỹ thì dùng những chữ "lo âu..., thất vọng..., một thất bại của thế giới "tự do"!... Mỹ mất một người bạn tốt... một tấn bi kịch..., những hậu quả tai hại cho các nước phương Tây...".

Vì sao Mỹ và Anh hoảng hốt như vậy?

Vì Mỹ muốn nắm Xây Lan để dần dần hất cẳng Anh.

Vì ở Xây Lan, hơn 45% đồn điền cao su và chè cùng đại bộ phận tài chính và vận tải đều do thực dân Anh nắm.

Vì cương lĩnh của chính phủ Mặt trận là: Về kinh tế - Quốc hữu hóa các đồn điền chè và cao su của tư bản nước ngoài ở Xây Lan. Về chính trị - Thành lập một nước Cộng hòa Xây Lan, chứ không phụ thuộc vào khối liên hiệp Anh. Bỏ những căn cứ quân sự Anh ở Xây Lan. Chống khối xâm lược Đông Nam Á. Về ngoại giao - Giữ chính sách trung lập, đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc...

Chỉ có thế thôi, mà Anh và Mỹ đã run đây đẩy. Thế mà nói phe đế quốc mạnh, là mạnh vào đâu?

Hãng thông tin Mỹ U.P. viết: "Phe tả đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc tuyển cử đầu tiên ở Đông Nam Á sau khi ông Khơ-rút-sốp và ông Bun-ga-nin đi thăm các nước vùng ấy".

Ông Man-phin, đại biểu Quốc hội Mỹ nói: "Kết quả cuộc tuyển cử ở Xây Lan chứng tỏ rằng: Phong trào trung lập ở các nước miền Nam và Đông Nam Á ngày càng lên mạnh...".

Mỹ đe dọa không "viện trợ" cho Xây Lan nữa. Thủ lĩnh Mật trận và Thủ tướng mới của Xây Lan là ông Băng-đa-ra-nai-cơ trả lời: "Không thể dùng đô-la mà mua chuộc được lòng tự trọng của nhân dân Xây Lan".

Nhân dân Việt Nam thành thật chúc mừng thắng lợi của nhân dân Xây Lan láng giềng!

C.B.

---------

[1] Xây Lan là cách gọi cũ của Sri Lanka

Báo Nhân Dân, số 777, ngày 19-4-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.