Mặt trận số 1 chống đế quốc Mỹ là Việt Nam.

Mặt trận số 2 ở ngay tại nước Mỹ. Ở nước Mỹ có 20 triệu dân Mỹ da đen. Họ bị áp bức, bóc lột, khinh rẻ như người nô lệ.

Ví dụ:

Tiền công của người Mỹ da trắng nhiều gấp đôi của người Mỹ da đen. Số người thất nghiệp Mỹ da đen nhiều gấp đôi người Mỹ da trắng. Ở nhiều địa phương, phần lớn dân Mỹ da đen không được quyền tuyển cử và ứng cử. Người Mỹ da đen không được vào các nhà thờ, trường học, rạp hát, tiệm ăn, vườn hoa... của dân Mỹ da trắng. 15 triệu người Mỹ da đen ở chui rúc trong những nhà “hang chuột” gọi là “khu dân nghèo” cách biệt với phố sá dân Mỹ da trắng. Những bọn côn đồ da trắng giết chết người Mỹ da đen, không bao giờ bị toà án trừng trị.

Những tội ác đó gọi là “phân biệt chủng tộc”. Một lãnh tụ da đen đã nói: “Ở nước Mỹ, con chó còn có nhiều quyền lợi hơn dân Mỹ da đen... Lịch sử nước Mỹ là một pho lịch sử dân Mỹ da đen bị hành hạ như ngựa trâu, một pho lịch sử xấu xa nhất, dã man nhất!”.

Không được hưởng quyền lợi, nhưng người Mỹ da đen cũng bị Chính phủ Mỹ ép buộc đi chết trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Và số lính Mỹ da đen chết và bị thương nhiều hơn lính Mỹ da trắng. Nghị sĩ R. Kennơđi đã phải nhận rằng: “Người Mỹ da đen đang phải chịu một gánh nặng không hợp lý về nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam”.

Từ trước, dân Mỹ da đen đã có đấu tranh nhưng chỉ bằng cách biểu tình hoà bình, không dùng bạo lực. Kết quả chỉ được những hứa hẹn suông của bọn thống trị da trắng.

Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam có ảnh hưởng nhiều đến người Mỹ da đen. Họ thấy rằng họ với nhân dân Việt Nam cùng có một kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, rằng muốn giành lấy tự do, bình đẳng thì phải chống bạo lực phản cách mạng bằng bạo lực cách mạng, như nhân dân Việt Nam đang làm.

Do đó, họ đồng tình với nhân dân ta; và từ chỗ không dùng bạo lực, họ đã tiến tới dùng bạo lực để tự vệ. Hầu như ngày nào cũng có những cuộc đấu tranh chống “phân biệt chủng tộc” nổ ra ở nơi này hoặc nơi khác. Những cuộc to nhất là:

Tháng 7-1964, dân Mỹ da đen ở Halem, gần Nữu Ước, đã nổi lên đánh nhau với cảnh sát da trắng suốt mười ngày.

Tháng 8-1965, hơn một vạn người Mỹ da đen ở Oát, gần Lốt Angiơlét, đánh nhau với 3.000 cảnh sát và công an da trắng suốt một tuần lễ. Trong trận này, 34 người da đen đã hy sinh và hơn 1.000 người bị thương nặng.

Tháng 6 năm nay, ở bang Mítxítxipi có một cuộc “kéo quân đòi tự do”. Đường đi dài 260 dặm. Thời gian là ba tuần. Lúc ra đi chỉ có bảy người. Khi đến nơi có mấy nghìn người. Trong buổi mít tinh kết thúc có hơn năm vạn người tham dự.

Trung tuần tháng 7, ở Sicagô, hơn năm vạn người Mỹ da đen liên tiếp biểu tình trong ba ngày. Họ dùng gạch, đá, chai dầu xăng, có người dùng súng, chống lại 1.000 cảnh sát và 3.000 lính da trắng. Các báo Mỹ đã gọi Sicagô là “một khu chiến đấu”.

Hiện nay, họ đã tổ chức những đội tự vệ vũ trang ở năm bang miền Nam nước Mỹ và ở những thành phố lớn như Nữu Ước, Sicagô, v.v..

Vừa qua, họ tiến lên bước nữa và nêu ra khẩu hiệu “Chính quyền người da đen”.

Tờ Báo Phố Uôn của đại tư bản Mỹ đã viết rằng: Hiện nay, “tại 21 thành phố lớn ở Mỹ, chỉ một tia lửa tình cờ cũng có thể hoá ra một đám nổ bùng dữ dội”.

Một điều quan trọng nữa là người Mỹ da đen đã kết hợp việc chống “phân biệt chủng tộc” với việc chống chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Phong trào dân Mỹ da trắng chống chiến tranh cũng ngày càng sôi nổi. Ngày 6-8, hơn 20 thành phố Mỹ đều có những cuộc biểu tình rầm rộ. Như:

Hơn 3.000 người biểu tình trước nhà Tổng Giôn. Họ giương cao cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Họ hô vang khẩu hiệu: “Lập tức rút quân đội Mỹ về!”, “Giôn ơi, hôm nay ngươi đã giết chết mấy em bé Việt Nam?”. Ở Nữu Ước có hơn 26.000 người biểu tình. Ở Lốt Angiơlét hơn một vạn người biểu tình, rồi một đám quần chúng đã quyết định tiếp tục biểu tình 18 ngày ở trước nhà máy làm bom napan.

Hai phong trào đó kết hợp với nhau thành một lực lượng rất to lớn, thành Mặt trận số 2 chống đế quốc Mỹ.

Báo Luận đàm Nữu Ước đã thở than rằng: Mỹ đang “cụng trán với hai cuộc chiến tranh dữ dội, một cuộc ở nước Mỹ, một cuộc ở Việt Nam”.

Bị giáp công trên hai mặt trận, đế quốc Mỹ nhất định thua, nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam nhất định thắng.

CHIẾN SĨ

-----------------------

- Báo Nhân Dân, số 4517, ngày 19-8-1966, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.149-151.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.