Do lòng mong muốn nhiệt liệt của các dân tộc, do sự hướng dẫn khôn khéo của các lãnh tụ, Hội nghị Á - Phi đã thành công.

Suốt mấy đời người, nhân dân Á - Phi đã bị chia rẽ, đọa đày, bị lũ thực dân cưỡi đầu cưỡi cổ. Ngày nay, nhân dân Á - Phi đã tỉnh dậy, đã vươn mình, đoàn kết với nhau, chống lũ đế quốc, tự mình định đoạt lấy vận mệnh của mình.

Sau một tuần làm việc, Hội nghị đã kết thúc hôm 24-4. Hội nghị đã thay mặt cho 1.400 triệu nhân dân, đồng thanh quyết nghị:

- Chống thực dân, chống phân biệt chủng tộc, chống chiến tranh nguyên tử.

- Ủng hộ quyền độc lập, tự do của các dân tộc Á - Phi.

- Hợp tác thân thiện về kinh tế và văn hóa giữa các nước Á - Phi.

- Chung sống hòa bình.

Có một số rất ít “đại biểu” (như đại biểu của Ngô Đình Diệm) đã cam tâm làm cái loa truyền thanh của đế quốc Mỹ, mong phá hoại Hội nghị. Nhưng chúng đã tịt ngòi. Âm mưu Mỹ đã thất bại. Chính nghĩa đã thắng lợi.

Hội nghị Á - Phi là một vố nặng đánh vào đầu Hội nghị Mani tháng 9 năm ngoái và Hội nghị Băng Cốc tháng 2 năm nay (hai cái hội nghị do Mỹ cầm đầu để bàn bạc chiến tranh xâm lược).

Đoàn đại biểu ta đã góp phần vào kết quả tốt đẹp của Hội nghị Á - Phi. Mà kết quả của Hội nghị lại càng làm cho nhân dân ta thêm tin chắc rằng: Cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của cả nước ta dù nhiều khó khăn, nhưng nhất định thắng lợi.

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 422, ngày 28-4-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.429-430.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.