Mặt trận này tuy chưa xây dựng về hình thức, nhưng thực tế đã hình thành bằng hành động và tinh thần.

Mấy năm trước đây, ở Mỹ đã có phong trào chống đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam nước ta, nhưng phong trào còn lẻ tẻ, thưa thớt.

Từ đầu năm nay, giặc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh ở miền Nam, "leo thang" ném bom, bắn phá miền Bắc. Đồng thời ở Mỹ, chúng bắt thêm nhiều thanh niên đi làm bia đỡ đạn, bắt nhân dân nộp thêm sưu thuế để chi phí vào chiến tranh.

Do đó, nhân dân Mỹ thấy rõ rằng cuộc chiến tranh xâm lược không những làm hại cho Việt Nam mà cũng có hại cho bản thân họ. Họ thấy rõ rằng nhân dân Việt Nam và họ cùng có một kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và muốn giữ gìn quyền lợi chính đáng của họ thì họ cần phải ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Vì lẽ đó, về tinh thần, Mặt trận Thống nhất phản đế đã hình thành giữa nhân dân Việt và nhân dân Mỹ. Và từ đó, ở Mỹ, phong trào chống xâm lược ngày càng lên cao.

Vài thí dụ:

- Tháng Hai, sinh viên ở bang Caliphoócnia biểu tình chống ném bom ở miền Bắc.

- Tháng Ba, Trường đại học Misigân mở đợt thảo luận chống chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhiều trường đại học khác đã hưởng ứng.

- Tháng Tư, ở Thủ đô Mỹ, hơn 2 vạn người biểu tình trong ba ngày liền, đòi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam.

- Tháng Năm, khắp nước Mỹ có 10 vạn giáo sư và sinh viên của hơn 120 trường cao đẳng tham gia cuộc thảo luận đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược.

- Tháng Sáu, Nữu Ước, hơn 18.000 người biểu tình. Cuối tháng Sáu, có 570 văn nghệ sĩ nổi tiếng gửi thư cho tổng Giôn kịch liệt chống chính sách xâm lược của y.

- Tháng Tám, thanh niên đã liên tiếp biểu tình trong ba ngày đêm trước nhà tổng Giôn.

- Tháng Mười, trong ba hôm, 15 đến 17, nhân dân Mỹ đã tổ chức "Ngày kháng nghị khắp cả nước". Đây là cuộc vận động to nhất xưa nay chưa từng có ở Mỹ. Ở 60 thành phố lớn đã có hơn 10 vạn người tham gia biểu tình. Họ mang những biểu ngữ đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Ở Caliphoócnia, hơn 2.000 người rầm rộ biểu tình trước doanh trại Úclen là nơi tập trung quân đội và vũ khí Mỹ để chở sang miền Nam Việt Nam. Đi hàng đầu là các bà mẹ đẩy xe chở các cháu bé. Họ mang những khẩu hiệu như: "Vì sao người Mỹ đi giết người?", những khẩu hiệu binh vận và chống bắt lính.

Chính phủ Mỹ đã động viên nhiều quân đội, cảnh sát, mật thám và du côn để phá hoại, nhưng quần chúng không nao núng và cuộc vận động đã thắng lợi to.

Bè lũ tổng Giôn thường ba hoa rằng ở Mỹ không ai phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cuộc biểu tình này là thêm một cái tát mạnh vào mồm chúng.

Nhân dân các nước Anh, Ý, Úc, Thụy Điển, Canađa, Tân Tây Lan, Ácgiăngtin[1], v.v. đã nhiệt liệt hưởng ứng cuộc vận động đó. Ở Bỉ đã tổ chức "Tháng căm thù giặc Mỹ" nhân dịp kỷ niệm liệt sĩ Trỗi. Ở Tây Đức có những cuộc triển lãm và biểu tình rước đuốc, nhân dân thành phố Phrăngphuốc không quản rét buốt, biểu tình suốt 32 tiếng đồng hồ trước quán lãnh sự Hoa Kỳ.

*

*     *

Chiến tranh làm cho nhân dân Mỹ chết người hại của, nhưng lại làm cho bọn đại tư bản Mỹ được những món lãi kếch sù.

Như năm 1942 (Chiến tranh thế giới thứ hai) chúng lãi 9 tỉ 500 triệu đôla.

Năm 1952 (chiến tranh xâm lược Triều Tiên) lãi 17 tỉ 200 triệu.

Năm 1964 lãi 31 tỉ 900 triệu.

Có tờ báo tư sản Mỹ đã tính tỉ mỉ, mỗi tên lính Hoa Kỳ chết đã mang lại cho bọn tư bản mấy vạn, mấy ngàn, mấy trăm, mấy mươi đôla!

Nhân dân Mỹ đã giác ngộ, họ đang vùng dậy đấu tranh chống bọn hiếu chiến Mỹ.

Nhân dân Mỹ đánh từ trong ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng. Đó sẽ là thắng lợi vẻ vang của Mặt trận Thống nhất nhân dân hai nước; mà cũng là thắng lợi chung của loài người yêu chuộng chính nghĩa và hòa bình.

CHIẾN SĨ

--------------------

- Báo Nhân Dân, số 4220, ngày 24-10-1965, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.638-640.

[1]. Nước Áchentina (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.