Nhờ chỉnh phong mà mậu dịch cũng tiến bộ nhảy vọt. Vài ví dụ:

Cửa hàng mậu dịch Thiên Kiều (Bắc Ninh)

- Tổ chức gọn gàng - Do phát động quần chúng phê bình và đề ý kiến, kết quả đầu tiên là: Giảm bớt các phòng và các tổ phiền phức; đưa được 45 % nhân viên đi trực tiếp sản xuất.

- Công tác tiến bộ - Một ban nhân viên phụ trách bán hàng suốt cả ngày. Tùy theo khách khi đông khi ít, việc lúc bận lúc rảnh, mà sắp xếp công tác và giờ ăn, giờ nghỉ của nhân viên. Cho nên thực tế mỗi người mỗi ngày làm việc không quá 8 giờ. Làm như vậy, đã tránh được cách chuyển ban, giao hàng, đếm hàng phiền phức trước kia mà trách nhiệm lại rõ ràng. Một ban chia thành mấy tổ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phụ trách. Những thứ hàng quý báu, mỗi ngày đều kiểm lại. Những thứ hàng thường, thì mỗi tháng kiểm lại một lần. Công việc được giản đơn, số nhân viên ít, mà năng suất lại tăng nhiều.

- Hàng không ứ đọng - Các tổ bán hàng trực tiếp đặt hàng, cho nên hàng vào nhanh, bán ra nhanh, tiền vốn cũng luân chuyển nhanh (tiền vốn giảm được 37%), và hàng hóa không bị ứ đọng.

- Thái độ niềm nở - Trước kia, nhân viên bán hàng cho rằng công việc ấy không vẻ vang, không có tiền đồ. Vì vậy, họ có thái độ hững hờ. Đối với khách - ai mua thì bán, không mua thì thôi, không cần! Đối với cửa hàng - lãi thì cửa hàng nhờ, lỗ thì Nhà nước chịu, mặc kệ!

- Nay mọi người đều hiểu rằng: Bán hàng cũng là phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội, cũng là vẻ vang. Do đó, đối với khách, đối với công việc, thái độ họ từ chỗ lạnh nhạt biến thành ân cần, từ chỗ tiêu cực trở nên tích cực.

- Tư tưởng chính trị - Có những tiến bộ đó, là vì công tác chính trị được nâng cao, quan hệ giữa Đảng và quần chúng, giữa nhân viên và cán bộ được cải tiến. Họ thấy rằng họ cũng là người chủ nước nhà, họ với cán bộ là đồng chí. Công tác tốt hay là xấu, họ cũng gánh một phần trách nhiệm. Vì vậy, họ phát huy tinh thần tích cực thi đua, vượt mọi khó khăn làm trọn nhiệm vụ.

Đồng thời, cán bộ lãnh đạo tham gia mọi công việc, cùng nhân viên đoàn kết thành một khối. Như vậy, họ đã học được kinh nghiệm thực tế, kịp thời giải quyết các vấn đề lại giáo dục và cổ động được quần chúng.

Công tác chính trị không phải khoán trắng cho một nhóm người. Toàn thể đảng viên, đoàn viên công đoàn và đoàn thanh niên (từ giám đốc đến tiểu tổ trưởng) cùng nhau phân công phụ trách, trực tiếp tham gia lao động, liên hệ với quần chúng, kết hợp chính trị với nghiệp vụ, quan tâm đến đời sống vật chất và văn hóa của nhân viên.

Do cán bộ lãnh đạo làm gương mẫu, cho nên phong trào thi đua ngày càng tiến lên.

Mậu dịch Quảng Tây - Trước kia có 4 cơ quan khác nhau: Ty thương nghiệp, Ty phục vụ, Tổng cục hợp tác xã, và Cục mậu dịch với bên ngoài. Tổ chức kềnh càng. Lãnh đạo không thống nhất, nhiều khi dẫm chân lên nhau. Các cơ quan lại thường có tư tưởng bản vị, nhiều giấy tờ, nặng bệnh quan liêu sự vụ. Vì hệ thống nhiều mà lãng phí sức người, sức của. Sử dụng không hợp lý kho tàng và tiền vốn - nơi thì thừa, dùng không hết; chỗ thì thiếu, không có mà dùng. Và còn nhiều khuyết điểm khác.

Sau hơn một tháng chỉnh phong, những khuyết điểm ấy được sửa chữa. Thực hiện "4 sợi xe thành một dây", lãnh đạo thống nhất và hạch toán thống nhất. Năm đồng chí chánh, phó ty, trưởng mậu dịch mỗi người trực tiếp phụ trách hai hoặc ba ngành. Như vậy, công việc lãnh đạo, nghiên cứu và giải quyết vấn đề đều toàn diện và nhanh chóng.

Giảm được 82% nhân viên đưa về trực tiếp sản xuất, mà công việc mậu dịch thì trôi chảy hơn trước nhiều. Ví dụ: trước kia kế hoạch của mỗi năm phải hàng tháng mới đặt xong, nay chỉ trong một tháng đã đặt xong kế hoạch.

Hai kinh nghiệm kể trên đã phổ biến khắp Trung Quốc. Nhưng các cơ quan mậu dịch không coi như thế là đã tiến bộ tột bậc, họ đang phát động toàn thể cán bộ và nhân viên cải tiến hơn nữa lề lối kinh doanh và quản lý, để phục vụ nhiều hơn nữa công nghiệp và nông nghiệp trong phong trào tiến bộ nhảy vọt.

TRẦN LỰC

---------------------

Báo Nhân Dân, số 1612, ngày 11-8-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.