Chính phủ phản động Pháp ngày càng ươn hèn trước mặt quan thầy Mỹ. Mỹ ngày càng tỏ thái độ hoành hành đối với Pháp. Và chính sách gây chiến của Mỹ ngày càng tai hại cho Pháp.
Do đó, ở Pháp, phong trào chống Mỹ ngày càng rộng. Phong trào đó không những bao gồm những tầng lớp lao động và tiểu tư sản, mà đã lan đến một phần giai cấp tư sản Pháp. Một chứng cớ rõ rệt:
Gioanh (Juin) là một tướng to nhất (và cừ nhất) của Pháp. Trong quân đội của khối Bắc Đại Tây Dương, người Mỹ làm tổng tư lệnh cả hải, lục, không quân, mà Gioanh thì làm tổng tư lệnh lục quân. Thế là Gioanh ở một địa vị rất quan trọng, biết hết chính sách và âm mưu của Mỹ, của Pháp và của khối Mỹ.
Hạ tuần tháng 6 vừa rồi, Gioanh diễn thuyết, tỏ ý rất phẫn uất đối với Mỹ. Đại khái y nói: "Chiến tranh ở Việt Nam là một vấn đề rất thương tâm, vì nó làm cho Pháp chết rất nhiều người, tốn rất nhiều tiền. Chiến tranh ở Việt Nam mỗi năm tốn cho Pháp 500 ngàn triệu. Với số tiền đó, Pháp có thể tổ chức một đội quân mạnh nhất thế giới. Mà Pháp cần có một đội quân mạnh nhất thế giới... Hiện nay, Pháp không mong Mỹ phái quân đội đến Việt Nam, nhưng Pháp có quyền đòi tiền Mỹ... Nhiều lần, tôi đã nói cho Mỹ rõ tình hình ấy. Tôi nói với người Mỹ: Nếu các ông không hiểu tình hình Pháp, Pháp sẽ bỏ ra khỏi Liên hợp quốc, và Chính phủ nào của Pháp dám làm như thế, sẽ là một chính phủ vĩ đại trong lịch sử...".
Tóm lại: Gioanh chống chính sách Mỹ.
Bài diễn thuyết đó đã làm cho dư luận Anh, Mỹ, Pháp rất xôn xao. Báo Anh và báo Mỹ thì phản đối và công kích rất kịch liệt. Ở Pháp, có báo phản đối, có báo tán thành. Báo Chiến đấu (Combat) một tờ báo phản động, viết: "Thống chế Gioanh đã dám nói ra cái điều mà 350 đại biểu Quốc hội Pháp nghĩ thầm trong bụng, cái điều mà đại đa số người Pháp đã lên tiếng tán thành... Sự thật là một số bộ trưởng và đảng phái Pháp rất khó chịu, vì Mỹ can thiệp vào chính trị của Pháp, và càng ngày họ càng dự định một chính sách cứng cỏi và độc lập đối với Mỹ”.
Sau khi Gioanh diễn thuyết, Thủ tướng Pháp hoảng hốt, lập tức gọi Gioanh đến để mắng trách. Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử Pháp mà một thủ tướng mắng trách một thống chế.
Do đó, chúng ta thấy rằng: Mâu thuẫn giữa Mỹ với Pháp ngày càng sâu sắc. Mâu thuẫn giữa bọn thống trị Pháp cũng thêm sâu sắc. Mà phần lớn mâu thuẫn đó là vì Pháp thất bại ở Việt Nam. Vậy chúng ta phải cố gắng vượt mọi khó khăn, ra sức kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Ta càng thắng lợi thì mâu thuẫn giữa bọn địch càng to, chúng càng bị chia rẽ, thế chúng càng yếu, thế ta càng mạnh, chúng càng thua, ta càng thắng. Thế tức là: Khéo dùng tình hình địch để làm lợi cho tình hình ta.
C.B.
---------
- Báo Nhân Dân, số 68, ngày 31-7-1952, tr.4.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.458-459.