Cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc đã 15 năm rồi, nhưng Tây Đức và Tây Balinh vẫn còn bị quân đội Mỹ, Anh, Pháp chiếm đóng. Đó là một tình trạng ngược đời. Để chấm dứt tình trạng ấy, Liên Xô đề nghị ký hòa ước với Đức và làm cho Tây Balinh trở nên một thành phố tự do. Đề nghị ấy thật là hợp tình, hợp lý. Nhưng Mỹ, Anh, Pháp chưa chịu nghe. Việc đó không có gì là lạ, vì nếu Mỹ, Anh, Pháp làm theo những đề nghị hợp tình, hợp lý, thì họ đã không phải là chủ nghĩa đế quốc nữa. Dù sao, lẽ phải nhất định sẽ thắng.
Điều kỳ quái là: Chính phủ Tây Đức cũng không muốn ký hòa ước; không muốn quân đội Mỹ, Anh, Pháp rút đi; cứ muốn giữ lấy địa vị một nước thua trận, một nước bị quân đội nước ngoài chiếm đóng!
Kỳ quái hơn nữa là thái độ của Chính phủ Pháp đối với vấn đề Đức.
Cuối năm 1944, khi gặp Nguyên soái Stalin, chính tướng Đờ Gôn đã than phiền "Chỉ trong khoảng 70 năm, Pháp đã bị Đức xâm chiếm ba lần. Lần thứ nhất (1870-1871) Pháp đã bị đập bẹp, đã mất cho Đức mấy tỉnh… Lần thứ hai (1914-1918), nhờ các nước đồng minh mà Pháp đã thắng, nhưng thắng với một giá rất đắt, đã phải hy sinh rất nhiều. Lần thứ ba (từ 1940-1944), cả nước Pháp bị Đức chiếm đóng và đã gần mất độc lập… Đức hãy còn, thì Pháp hãy còn bị đe dọa…".
Ngày 21-12-1944, trước Quốc hội lâm thời Pháp, tướng Đờ Gôn lại tuyên bố: "Trong 70 năm qua, dã tâm muốn thống trị (thế giới) của Đức là nguyên nhân chính đã gây ra những cuộc chiến tranh lớn…".
Hiện nay, Tây Đức còn có dã tâm như vậy nữa không? Ai cũng biết rằng ngày nay trong quân đội Tây Đức có hơn 100 viên tướng và số đông những sĩ quan từ cấp úy trở lên đều là cán bộ quân sự cũ của trùm pháp xít Hítle. Chúng công khai tuyên truyền chiến tranh và báo thù. Chúng vẫn còn dã tâm muốn thống trị thế giới.
Thế mà Chính phủ Đờ Gôn rất gắn bó với Chính phủ Tây Đức. Và trong phiên họp Hội nghị Giơneo vừa rồi, Ngoại trưởng Pháp đã nói rằng: Tây Đức rất ngoan, "họ tự động hạn chế lực lượng quân sự của họ… Điều đó chứng tỏ Tây Đức hoàn toàn không có ý muốn báo thù nữa…".
Vì sao ông Đờ Gôn và chính phủ của ông đã quên bẵng những kinh nghiệm lịch sử đau đớn của Pháp? Vì sao họ không phân biệt ai là bạn, ai là thù?
Người ta trả lời: Một là vì Chính phủ Pháp phải làm theo ý muốn của đế quốc Mỹ. Hai là vì Chính phủ Pháp phải vay tiền Tây Đức để tiêu xài (mỗi ngày 3.000 triệu phơrăng) vào cuộc chiến tranh xâm lược Angiêri.
Muốn biết ở Giơneo sẽ có chuyện gì kỳ quái nữa, xin bà con đón chờ xem bản tin tức sau.
T.L
----------------------------
Báo Nhân Dân, số 1900, ngày 29-5-1959, tr.4.