Cháu Thu Oanh yêu quý,

Cháu phân tích rất đúng cuộc đảo chính ở Sài Gòn (1-11-1963). Trong thư này, chú chỉ thêm vài ý kiến.

Đế quốc Mỹ - Thiên hạ ai cũng biết Mỹ là kẻ chủ mưu trong vụ đảo chính. Nhưng Mỹ cứ chối đây đẩy. Đó là vì:

- "Ném đá giấu tay" là thói quen của đế quốc Mỹ. Chúng hòng lừa bịp dư luận thế giới, làm ra vẻ chúng không bao giờ can thiệp vào nội bộ của nước ngoài.

- Gần 10 năm qua, để giúp bọn Diệm, Mỹ đã tốn 3.000 triệu đôla; đã phái hàng chục tướng tá, hàng trăm chó ngao, hàng vạn binh sĩ. Mỹ đã tâng bốc Diệm đến tận mây xanh - nào là "đại chí sĩ yêu nước", nào là "bạn thân của thế giới tự do", v.v..

Nhưng rốt cuộc là Diệm đã thất bại nhục nhã tức là Mỹ đã thất bại nhục nhã. Cho nên Mỹ đã mượn tay bọn đảo chính thủ tiêu anh em Diệm.

- Thấy Diệm và Nhu chết thê thảm như vậy, những bù nhìn khác như Tưởng Giới Thạch, Pắc Chung Hy... và ngay cả bọn đảo chính Sài Gòn, không khỏi "trông người mà ngẫm đến ta"; chúng không tin vào "độ lượng" của Mỹ nữa. Mỹ chối không phụ trách vụ đảo chính là hòng làm cho yên tâm bọn bù nhìn "tại chức". Nhưng cũng vô ích. Báo chí Mỹ đã nhận rằng: "Mỹ đang gặp nhiều khó khăn... Vì bọn đảo chính không phải là những công cụ thật tốt đối với Mỹ" (Nữu Ước thời báo, 10-11-1963).

Thật ra, nhân dân miền Nam là người đã đánh đổ Ngô Đình Diệm.

Bọn đảo chính - Là một lũ "thân lươn bao quản lấm đầu", chúng đã từng làm tay sai trung thành cho thực dân Pháp, cho phát xít Nhật và nay cho đế quốc Mỹ. Chúng đều thạo nghề bán nước, buôn dân. Trong 10 năm qua, chúng là tay chân đắc lực của Ngô Đình Diệm, đều có nhiều nợ máu với nhân dân.

Chúng đã giết Diệm, nhưng vẫn tiếp tục những tội ác dã man của Diệm: càn quét, khủng bố, rải thuốc độc, "ấp chiến lược", đốt phá làng mạc, giết hại đồng bào...

Tương lai của chúng ra sao? Là "lũ chó tranh xương", hiện nay nội bộ chúng đã lục đục dữ và sẽ lục đục mãi.

Dư luận nước ngoài đều nói rõ sự lục đục đó. Thí dụ:

Hãng thông tấn Mỹ AP (7-11-1963) viết: "Tướng Đôn nhận rằng hội đồng quân nhân đang vấp phải vấn đề tranh giành quyền lực cá nhân...".

Hãng thông tấn Anh Roitơ (8-11-1963) viết: "Viên tướng chủ chốt trong vụ đảo chính là Tôn Thất Đính đang xông vào một cuộc đấu tranh sống còn để giữ lấy địa vị có thần thế trong nhóm cầm quyền... Người ta đang âm mưu gạt ông ta ra...".

Hãng Mỹ UPI (10-11-1963) viết: "Các tướng tá trong vụ đảo chính đã trở nên một liên minh không chắc chắn. Họ ngờ vực ghen ghét lẫn nhau".

Hãng Roitơ (3-12-1963) viết: "Hiện đang có sự căng thẳng gay go trong hội đồng quân nhân... Hội đồng này do tướng Minh đứng đầu ngày càng trở nên bất lực vì sự tranh chấp nội bộ...".

Nói tóm lại, rồi đây chúng sẽ đảo lẫn nhau và cuối cùng nhân dân sẽ đảo cả lũ chúng.

Ai thắng ai? - Mồ ma tổng Ken, hiện nay thì tổng Giôn (Giônxơn) và bọn cầm quyền Mỹ đều nói: "Mỹ sẽ thắng". Miệng họ nói vậy nhưng lòng họ thì không tin. Trước ngày kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ vài tuần, thực dân Pháp cũng vẫn ba hoa rằng chúng "sẽ thắng"! Một số báo chí Mỹ "mắt thấy tai nghe", nói thật thà hơn. Thí dụ:

"Cảm tưởng ở nước Mỹ là Mỹ đang sa lầy tại miền Nam
Việt Nam" (Nữu Ước thời báo, 7-10-1963).

"Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ sẽ không thắng được trong một năm, hai năm, thậm chí trong năm năm" (UPI, 22-10-1963).

"Hòng nhờ 2 vạn rưỡi binh sĩ Mỹ để dùng lực lượng quân sự chinh phục miền Nam Việt Nam, là một điều không làm được. Trước đây người Pháp đã dùng 38 vạn binh sĩ mà cũng không làm được điều đó, nữa là..." (Nữu Ước thời báo, 6-11-1963).

Đi vào chi tiết, báo Tin tức Mỹ và thế giới, 25-11-1963 viết: "Sư đoàn 7 đóng ở vùng Tân An, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Đồng Tháp. Tất cả có 33.376 binh sĩ các loại... Tuy vậy, đêm nào cũng có những đồn bốt bị du kích đánh phá. Đường sá đều bị phá hoại. Một phần tư vùng này do du kích kiểm soát. Chỉ ở tỉnh Mỹ Tho đã có hơn 2.500 trai tráng bỏ "ấp chiến lược" đi theo du kích... Tình hình ở đây rất căng thẳng...".

"Tỉnh Long An chỉ cách Sài Gòn 14 dặm. Trong tỉnh có 257 "ấp chiến lược" thì 169 ấp đã bị phá. Trong các ấp khác, du kích tha hồ hoạt động. Suốt cả tháng 11-1963, du kích tiến công gắt gao và giành được chủ động... Quân "chính phủ" thất bại nặng nề. Du kích lấy được hơn 1.600 vũ khí, đủ trang bị cho 5 tiểu đoàn của họ. Số vũ khí đó chẳng những giúp cho du kích hoạt động toàn diện, mà còn rất nguy hiểm cho các máy bay, nhất là cho máy bay lên thẳng..." (UPI, 14-12-1963).

Báo Bưu điện Hoa Thịnh Đốn (18-12-1963) viết: "Không thể tin rằng dùng chiến tranh mà giải quyết được vấn đề miền Nam Việt Nam".

Nhân dân miền Nam nhất định thắng - Chỉ trong tháng 11-1963, quân và dân miền Nam đã:

Diệt hơn 4.800 tên địch (31 tên Mỹ),

Làm bị thương hơn 2.300 tên,

Bắt sống 900 tên,

Giác ngộ hơn 3.000 lính địch đào ngũ,

Thu được hơn 2.100 súng các loại,

Bức địch rút 345 đồn bốt,

Phá gần 1.000 "ấp chiến lược".

Nếu tính trong ba năm nay, từ ngày Mặt trận Giải phóng miền Nam thành lập, thì đã có 25 vạn tên địch bị giết và bị thương, trong đó có hơn 1.500 tên Mỹ, (Chính phủ Mỹ chỉ công khai nhận có hơn 150 tên Mỹ tử thương!), 865 máy bay bị bắn rơi và bắn hỏng, hơn 3 vạn khẩu súng bị du kích lấy được, 80% "ấp chiến lược" bị phá.

Hiện nay, hai phần ba đất đai đã được giải phóng, hơn 50% nhân dân sống trong vùng tự do. Có những thắng lợi vẻ vang đó là do đồng bào miền Nam đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, do nhân dân ta có chính nghĩa; do sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ.

Đế quốc Mỹ bị kẹt trong "đường hầm" và trong vòng luẩn quẩn: Rút lui, thì sợ mất thể diện; cứ đeo đuổi chiến tranh thì sẽ thua to, vì cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam tuy trường kỳ và gian khổ, song nhất định thắng lợi.

Cách giải quyết "lịch sự" nhất là thực hiện 6 yêu sách mà Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đề ra ngày 8-11-1963. Tóm tắt là Mỹ phải rút khỏi miền Nam, việc nội bộ của miền Nam do nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy.

Mong cháu học tập tốt, lao động tốt, để xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.

CHIẾN SĨ

-----------------------

- Báo Nhân Dân, số 3556, ngày 23-12-1963, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.218-221.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.