Văn phòng Phủ Chủ tịch cho biết rằng: từ tháng 1 đến đầu tháng 12-1953, Hồ Chủ tịch đã nhận được gần 28.000 bức thư, không kể những thư công nhân và thanh niên nước ngoài gửi đến.

Những thư ấy, một phần do tập đoàn viết, như đơn vị bộ đội, công đoàn, nông hội, trường học, v.v., một phần là cá nhân gửi. Nội dung hầu hết các thư ấy là: hỏi thăm sức khỏe Hồ Chủ tịch, báo cáo thành tích công tác, hứa hẹn học tập và thi đua. Cũng có những thư nói chuyện riêng và hỏi cách giải quyết vấn đề riêng.

Các em nhi đồng và học sinh đã gửi 10.500 bức thư,

Cán bộ và chiến sĩ 6.900 bức thư,

Đồng bào nông dân 5.710 bức thư,

Anh chị em công nhân đã gửi 2.150 bức thư,

Các anh hùng và chiến sĩ thi đua 1.100 bức thư,

Chị em phụ nữ 920 bức thư,

Thanh niên 780 bức thư,

Các cụ phụ lão 215 bức thư,

Đồng bào công giáo 190 bức thư,

Kiều bào ở nước ngoài 105 bức thư.

Đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, dù hoàn cảnh khó khăn, cũng tìm cách gửi được hơn 100 bức thư.

Gia đình và đơn vị ngụy binh gửi 35 thư, tỏ ý biết ơn chính sách khoan hồng của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, và hứa hẹn quay về với kháng chiến.

Những tù binh Âu Phi được tha về nước, gửi 49 bức thư, tỏ lòng biết ơn, và hứa sẽ tuyên truyền ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta.

Dù bận nhiều công việc quan trọng, Hồ Chủ tịch vẫn chú ý xem những thư ấy, và Người thường nói: Đó là món quà tinh thần rất quý báu.

C.B.
----------

Báo Nhân Dân, số 157, từ ngày 1 đến ngày 5-1-1954, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.