Đảng ta đang phấn khởi chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ III. Tất cả các chi bộ đang sôi nổi bàn bạc dự thảo Điều lệ Đảng.

Đây là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rất rộng khắp cho toàn Đảng. Cho nên tất cả đảng viên (cũ cũng như mới) cần phải hăng hái tham gia thảo luận.

Thảo luận thế nào cho có kết quả tốt?

Theo ý tôi thì một cách tốt nhất là: Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi một đồng chí phải liên hệ đúng đắn Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại hội Đảng. Phải thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình, sửa chữa những khuyết điểm để củng cố tốt chi bộ và để rèn luyện mình trở thành người đảng viên tốt. Ví dụ:

- Cương lĩnh chung nói: Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân... gồm những người giác ngộ, tiên tiến, gương mẫu, dũng cảm và hy sinh nhất, thì phải liên hệ mình đã thật đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân chưa? Mình đã thật sự gương mẫu trong mọi việc chưa?...

- Nhiệm vụ của chi bộ, điều "41" nói:

a) Thực hiện các nghị quyết và chỉ thị cấp trên, tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương và chính sách của Đảng...

b) Phản ánh lên cấp trên yêu cầu, nguyện vọng của quần chúng, hết sức quan tâm đến việc nâng cao mức sống vật chất và văn hoá của quần chúng... thì phải liên hệ chi bộ đã thực hiện những nhiệm vụ ấy thế nào? có thiếu sót gì và cần sửa chữa như thế nào?...

- Nhiệm vụ của đảng viên nói: Tích cực phấn đấu để thực hiện chính sách của Đảng... Phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng... Hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân... thì phải liên hệ mình đã làm đúng như vậy chưa?...

- Điểm “i”[1] trong nhiệm vụ của đảng viên nói: Tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, không giấu giếm, xuyên tạc sự thật... thì phải liên hệ trong những hoạt động chính trị của mình trước kia và hiện nay, việc đúng và việc sai, mình đã thật thà nói hết với Đảng chưa? hay là còn giấu giếm phần nào?...

Nói tóm lại, phải lấy mười điểm nhiệm vụ của đảng viên mà đối chiếu một cách thật thà với tư tưởng và hành động của mình.

- Để các chi bộ thảo luận tốt, thì cấp trên phải lãnh đạo, giúp đỡ, theo dõi, rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm. Có khi các chi bộ nêu những câu hỏi khó, nếu chưa chắc chắn thì nên hỏi Trung ương, không nên giải thích hoặc trả lời một cách miễn cưỡng.

Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt.

- Trong dịp chuẩn bị Đại hội Đảng, các đảng viên và chi bộ cần phải kết hợp chặt chẽ với công tác khác của mình. Ví dụ:

Ở nông thôn thì phải kết hợp với việc củng cố và phát triển tổ đổi công và hợp tác xã cho tốt, làm tốt việc cải tiến nông cụ, thủy lợi, phân bón, v.v., nhằm tranh thủ vụ chiêm và vụ mùa thắng lợi vượt mức và toàn diện.

Ở các xí nghiệp thì phải kết hợp với cuộc thi đua thực hiện khẩu hiệu "Nhiều, nhanh, tốt, rẻ" để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm nay và chuẩn bị tốt cho kế hoạch 5 năm.

Cuộc thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng phải nhằm ba điều:

- Nâng cao đạo đức cách mạng của đảng viên.

- Đoàn kết và củng cố tốt chi bộ.

- Đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ Đảng đã đề ra.

Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để đảm bảo Đại hội thành công thật tốt đẹp.

T.L.

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 2207, ngày 3-4-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.543-545.

[1]. Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, t.10, tr.118, ghi là Điểm 9 (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.