Đồng chí Nghiêm Như Thầm, bí thư chi bộ kiêm đại đội trưởng của công xã Du Triệu ở tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), là một cán bộ sản xuất cừ, lãnh đạo giỏi[1].

- Vào năm 1959, một hôm đồng chí Nghiêm thấy 9 xã viên Đội 2 cấy một ngày mà không được 2 mẫu lúa (15 mẫu Trung Quốc bằng 1 mẫu tây). Hôm sau, đồng chí Nghiêm cùng 5 cán bộ và 2 xã viên đi cấy. Trời rét như cắt, có người rụt rè. Nhưng thấy đồng chí Nghiêm xung phong cấy trước, thì mọi người đều làm theo. Tối ngày họ cấy xong 7 mẫu.

Về đến đội, đồng chí Nghiêm họp các xã viên lại và đặt câu hỏi: Vì sao hôm qua 9 người cấy không xong 2 mẫu, mà hôm nay 8 người lại cấy được 7 mẫu?

Nhiều người nói: Bởi vì chế độ bình quân, làm nhiều hay làm ít đều được công điểm bằng nhau…

Đồng chí Nghiêm nói: đó là một nguyên nhân, nhưng còn nguyên nhân khác tức là do ảnh hưởng xấu của phú nông, ăn thật làm dối, như bọn Du Tế Dần. Đồng chí Nghiêm phân tích rõ ràng phải trái, nâng cao giác ngộ giai cấp của xã viên, đồng thời định rõ chế độ quản lý lao động và phân phối công điểm. Đồng chí Nghiêm miệng nói tay làm. Gặp lúc mùa màng bận rộn, đồng chí Nghiêm ăn cũng ăn ngoài ruộng, ngủ cũng ngủ ngoài ruộng. Thấy lãnh đạo làm như vậy, xã viên đều hăng hái thi đua. Kết quả là mùa ấy Đội 2 thu hoạch vượt mức 3.000 cân thóc.

Đội 1, mọi điều kiện đều khá, nhưng sản lượng lại kém. Có người nói: vì thiếu đoàn kết. Người khác nói: nếu già Trương chịu ra sức sản xuất thì công việc sẽ tốt hơn.

Già Trương là một bần nông đã ngoài 50 tuổi. Sức khỏe như trâu, lại nhiều kinh nghiệm. Như khốn nỗi xấu tính. Khi vui thì làm, không vui thì không làm, không ai nói được. Ở tiểu tổ đảng, nhiều đồng chí nói: Cái gì còn sửa đổi được, chứ tính già Trương thì chịu thôi!

Đồng chí Nghiêm thì nghĩ khác, và đề nghị mọi người cố gắng làm công tác tư tưởng với già Trương.

Một hôm cùng già Trương đi cày, đồng chí Nghiêm vừa làm vừa tỉ tê tâm sự. Già Trương cứ một mực lầm lì. Nhưng cuối buổi cày, già Trương nói: Chỉ cốt đồng chí bí thư dẫn đầu, già này không chịu kém ai đâu.

Từ đó, Nghiêm cùng các đồng chí khác gần gũi già Trương. Có việc gì cũng bàn với ông già. Thấy mình được xem trọng, già Trương bắt đầu thay đổi. Khi ông già gặp khó khăn và khi đau ốm, đồng chí Nghiêm hết sức giúp đỡ và săn sóc. Tình yêu giai cấp làm cho già Trương cảm động và nói: Từ nay già phải ra sức sản xuất cho tập thể, thì mới xứng đáng với Đảng, với đồng chí bí thư…

Từ đó già Trương lao động gấp đôi xã viên khác, và thấy ai có khuyết điểm, già Trương thẳng thắn phê bình ngay.

Việc già Trương chuyển biến tốt đã làm cho mọi người phấn khởi thi đua. Kết quả là dù gặp úng và hạn, đội đã thu hoạch vượt mức 6 tấn lương thực.

- Đội 3 mới được thành lập. Xã viên đều từ các tỉnh khác đến. Lạ cái lạ nước, tư tưởng chưa ổn định, lại gặp nhiều khó khăn. Vì đội này mới lập, thu nhập sẽ ít hơn, cho nên đảng ủy khuyên đồng chí Nghiêm để gia đình ở lại đội 1, thu nhập khá hơn. Nhưng đồng chí Nghiêm nói: "Gia đình tôi phải cùng đội 3 đồng cam cộng khổ thì họ mới tin rằng tôi một lòng một dạ phục vụ họ, và họ mới hăng hái làm ăn".

Ở đội này nhiều khó khăn thật. Tiền vốn, trâu bò, nông cụ đều thiếu… Đồng chí Nghiêm dựa vào cán bộ, cùng xã viên bàn bạc dân chủ, lập kế hoạch sản xuất, tìm cách giải quyết khó khăn, làm cho mọi người tin tưởng.

Thí dụ: đồng chí Nghiêm không quản trời rét, đường xa, tự mình đi mua và vác gỗ về làm thêm nông cụ. Trong nhà có gì đều đưa cho đội dùng, không tính thiệt hơn. Phân bón thiếu, cả gia đình đồng chí Nghiêm cùng các xã viên lên rừng chặt lá về làm phân xanh. Các xã viên chưa quen lối cày cấy của địa phương, đồng chí Nghiêm dùng ruộng nương của đội làm trường huấn luyện kỹ thuật, vừa cày bừa, vừa giải thích, vừa khuyến khích bà con xã viên.

Khó khăn bớt dần, sản lượng tăng dần. Năm 1960, mỗi mẫu chỉ được 260 cân, năm 1961 đã tăng lên 350 cân. Những đám ruộng trước chỉ cấy một vụ, nay biến thành hai vụ. Nhiều xã viên đã nói: "Bây giờ nếu lấy gậy xua, chúng tôi cũng không bỏ đội!".

- Đội 4, trước đây là một đội khá. Nay sụt lại sau. Nguyên nhân vì đâu? Khi chuyển đến đội 4, đồng chí Nghiêm liền đi xem khắp các thửa ruộng. Thấy nhiều đám chất đất đã gầy, phân bón lại ít. Lúc bấy giờ các đội bạn đều rầm rộ làm phân bùn, nhưng đội 4 vẫn không động đậy, vì không có ao hồ. Không có thì phải đi tìm. Đồng chí Nghiêm tìm thấy một cái ao, nhưng xã viên ngại đường xa, không muốn đi lấy bùn. Đồng chí Nghiêm cùng vài cán bộ và xã viên xung phong đi trước. Dần dần lôi cuốn được các xã viên khác cũng làm theo. Trong ba hôm, họ làm được 1.800 gánh bùn… Hễ gặp việc gì khó khăn thì đồng chí Nghiêm cùng với một số cán bộ xung phong làm trước.

Nhờ vậy, năm nay cày bừa, gieo mạ, bón phân, làm cỏ, tát nước… chẳng những mọi việc đều làm tốt, mà đội 4 còn thừa sức để giúp các đội bạn.

So với năm ngoái, năm nay số ngày lao động, trồng trọt, chăn nuôi đều tiến bộ nhiều. Đội 4 lại vươn lên hàng đầu.

Đồng chí Nghiêm không bao giờ chịu nhàn rỗi. Ngoài công việc chung của đội, đồng chí ấy thường giúp đỡ gia đình các xã viên làm những việc to cũng như việc nhỏ, không chút nề hà. Vì vậy các xã viên rất mến phục.

Trong 5 năm, thay đổi 4 chỗ. Chỗ nào có khó khăn là đồng chí Nghiêm đến, và đến chỗ nào cũng làm cho đội kém biến thành đội tốt. Đồng chí Nghiêm thật xứng đáng là một cán bộ gương mẫu cho chúng ta noi theo.

CHIẾN SĨ

----------------------

Báo Nhân Dân, số 3395, ngày 14-7-1963, tr.4.


[1]. Trích Nhân dân nhật báo (Bắc Kinh).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.