Ngày 16-7-1955 vừa rồi, Ngô Đình Diệm đã tuyên bố chống lại Hiệp định Giơnevơ, từ chối hiệp thương với Chính phủ ta để bàn về tổng tuyển cử. Y đã đóng một vai tuồng mà kẻ ngồi đằng sau sân khấu là đế quốc Mỹ. Y đã lắp lại những luận điệu mà chủ Mỹ mớm cho.

Ngay hôm 8-6-1955, tờ báo Mỹ Thời báo Nữu Ước đã rêu rao rằng không chắc Diệm nhận hiệp thương vì Diệm không ký Hiệp định Giơnevơ. Ngày 3-7-1955, các chính giới của Mỹ "đoán" rằng sẽ không có hiệp thương trong tháng này như Hiệp định Giơnevơ ấn định. Ngày 15-7-1955, đúng trước ngày Diệm tuyên bố, Hãng thông tấn UP nhắc lại: "Có lẽ sẽ không có hiệp thương vào ngày 20-7-1955". Thời báo Nữu Ước lại quyết đoán chắc chắn sẽ không có hiệp thương. Ngày 17-7-1955, phụ họa với Diệm, Hãng UP giở giọng con hát mẹ khen hay: "Làm sao lại có thể cưỡng bức một nước đã "độc lập" như miền Nam Việt Nam thi hành những điều mà họ không cam kết?".

Cáo già Mỹ khéo dùng những danh từ "có lẽ" với "không chắc" để dọn đường, chuẩn bị dư luận cho Diệm lên tiếng. Kỳ thật ai chẳng biết Diệm nói năng gì đều là do Mỹ dạy dỗ, chỉ thị. Những luận điệu "không ký Hiệp định Giơnevơ", "sợ tổng tuyển cử không thật sự tự do", "tổng tuyển cử phải do Liên hiệp quốc kiểm soát", v.v. của Mỹ - Diệm chẳng phải là đã cùng một khuôn, một lò đó sao?

Thật là:

                                      Một cốt một đồng,
                            Thày gà tớ hát dễ hòng lừa ai.

H.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 505, ngày 21-7-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.51-52.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.