Đầu tháng 8, ở Mạc Tư Khoa đã mở một cuộc trưng bày rất to về nông nghiệp. 16 nước cộng hòa trong Liên bang Xôviết đều tham gia.

Trong một khu rừng thông rộng hơn 200 mẫu tây, có những lâu đài đồ sộ, nguy nga chung cho cả Liên Xô, những lâu đài và những vùng trưng bày riêng cho mỗi nước cộng hòa. Tất cả hơn 300 giàn nhà. Phong cảnh giống như một thành phố đẹp trong một vườn hoa đẹp.

Tham gia trưng bày có: 94.000 nông trường tập thể, 4.700 nông trường quốc doanh, hơn 9.000 sở máy cày, máy gặt.

Ở đó có đủ các thứ nông sản, như 350 thứ ngũ cốc (có thứ mạch “móng ngỗng” không sợ lụt, hạn, thứ lúa cấy một lần mà gặt được 4 lần), 36.000 thứ cây ăn quả, 40 vạn thứ cây có hoa nhiều năm, 5 triệu thứ cây có hoa một mùa, v.v.. Trong vườn “Mítsurin” (cụ Mítsurin là một vị khoa học trồng trọt nổi tiếng khắp thế giới) rộng 6 mẫu tây, có mấy trăm thứ cây ăn quả tốt nhất và mới nhất, do khoa học gây ra.

79 chỗ trưng bày các súc vật, như thứ gà mỗi năm đẻ hơn 300 trứng, bò mỗi năm được hàng vạn lít sữa, v.v..

26 phòng trưng bày hơn 18.000 thứ máy nông nghiệp, nhờ đó mà công việc cày, gặt và chăn nuôi, đều làm bằng máy.

Cuộc trưng bày này tỏ rõ sự cố gắng và tiến bộ không ngừng của 25 năm nông nghiệp theo chủ nghĩa xã hội; nó chứng tỏ sức sáng tạo và lòng hăng hái thi đua của nhân dân Liên Xô; sự đoàn kết chặt chẽ giữa công, nông và lao động trí óc; sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ; sự thắng lợi của Liên Xô về nông nghiệp cũng như về các mặt khác; nó tỏ rõ đời sống sung sướng của nhân dân Liên Xô.

Hơn 30 đoàn đại biểu các nước khắp 5 châu đã đến thăm cuộc trưng bày này. Đại biểu các nước tư bản cũng đều nhận rằng nông nghiệp Liên Xô tiến bộ nhất thế giới. Khi ở Hội nghị Giơnevơ về, đoàn đại biểu ta đã được Chính phủ Liên Xô mời đến thăm cuộc trưng bày này.

Nhân dân Liên Xô đã mở đường thắng lợi. Hiện nay nhân dân Việt Nam ta đang ra sức củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ, chúng ta đang đẩy mạnh việc cải cách ruộng đất. Chúng ta cố gắng, thì hạnh phúc cả nhân dân Liên Xô ngày nay sẽ là hạnh phúc của nhân dân ta ngày sau.

C.B.

----------

Báo Nhân Dân, số 225, từ ngày 13 đến ngày 14-9-1954, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.