Đó là hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình)[1]

Hợp tác nghĩa là các xã viên góp sức người, sức của lại rồi đồng tâm nhất trí cùng làm, cùng hưởng, như anh em một nhà.

Đã hàng nghìn năm, người ta quen thói làm ăn riêng lẻ, “đèn nhà ai, rạng nhà nấy” với đầu óc hẹp hòi, tự tư tự lợi.

Nay tiến lên hợp tác xã làm ăn tập thể, đó là một sự biến đổi cực kỳ to, cực kỳ mới, cực kỳ tốt. Cho nên lúc đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ và khó khăn.

Nếu xã viên “chân đứng trong, lòng ở ngoài”, chỉ ham lợi riêng trước mắt, không thấy lợi chung lâu dài - thì không bao giờ hết khó khăn và hợp tác xã khó mà phát triển.

Nếu mọi xã viên đều thấm nhuần tinh thần tập thể, coi hợp tác xã như nhà mình, và thực hiện khẩu hiệu Cần kiệm xây dựng hợp tác xã, thì khó khăn gì cũng vượt qua và hợp tác xã nhất định phát triển tốt.

Hợp tác xã Đại Phong, khởi đầu chỉ có vài chục gia đình đồng bào miền Nam vượt tuyến. Khi mới đến, họ chẳng có gì cả; ruộng vườn, tiền bạc, nhà cửa đều không. Nhờ Đảng và Chính phủ giúp cho một số vốn, họ ra sức vỡ hoang suốt ngày suốt đêm.

Cuối năm 1958, hợp tác xã xây dựng với 23 hộ, 24 mẫu ruộng.

Dần dần lên 33 hộ. Rồi 44 hộ.

Do làm ăn phát triển khá, năm 1959 Đại Phong (giàu hơn) hợp nhất với hợp tác xã Đông Tây Bắc (nghèo hơn), thành 135 hộ. Họ ra sức vỡ hoang và mở thêm nghề phụ, khơi mương đắp đập và tích trữ phân bón. Kết quả đầu tiên là:

38 hộ thu hoạch 3 tấn rưỡi đến 4 tấn rưỡi,

92 hộ thu hoạch 1 tấn đến 3 tấn,

5 hộ thu hoạch ít hơn, thì được bà con giúp đỡ.

Năm ngoái, Đại Phong lại hợp nhất thêm ba hợp tác xã nhỏ và tám tổ đổi công, cộng tất cả là 455 hộ, 1.113 mẫu ruộng.

Năm nay, họ định vỡ thêm 700 mẫu đất, mở thêm 10 nghề phụ.

Họ dự tính mỗi ngày công sẽ được chia 11 cân thóc; bình quân một năm mỗi đầu người sẽ được 549 cân thóc, 10 cân cá, 18 cân thịt... Khá thật!

Trong khoảng ba năm, từ một hợp tác xã 23 hộ nghèo khó phát triển đến 455 hộ sinh hoạt ngang với mức sống của trung nông và đang có đà tiến lên nữa. Có kết quả đó là vì: Họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để tiến lên.

T.L.

----------------

- Báo Nhân Dân, số 2489, ngày 11-1-1961, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.2-3.


[1] Xem báo Nhân Dân, ngày 9-1-1961 (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.