Tuần trước, báo Nhân Dân đã nêu Đại Phong là một hợp tác xã gương mẫu, để các nơi học tập những kinh nghiệm tốt của nó.

Hôm nay, xin nêu T.B. (huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông[1] là một hợp tác xã không gương mẫu để nhắc nhở T.B. sửa chữa, và giúp các nơi khác tránh những sai lầm của T.B..

Hợp tác xã T.B. có hơn 380 hộ. Nói chung, các xã viên đều tốt. Họ nói: “Xã viên là như con cái, hợp tác xã như bố mẹ... Không bao giờ con cái bỏ rơi được bố mẹ”.

Thế thì vì sao hợp tác xã T.B. cứ xộc xệch, không tiến bộ?

Vì ban quản trị đã phạm những khuyết điểm sau đây:

- Cán bộ không dân chủ - Không đưa công việc bàn bạc với xã viên, mà cứ dùng cách quan liêu, mệnh lệnh, gò ép...

- Phân phối không sòng phẳng - Thí dụ: Xóm A. gặt được 49 tấn thóc, hợp tác xã chỉ chia cho xã viên 18 tấn. Ban quản trị không nói cho xã viên rõ vì sao chưa chia 31 tấn còn lại, trong lúc đó thì các xã viên cần thóc gạo. Tài chính thì đã gần một năm chưa thanh toán. Xã viên nghi ngờ ban quản trị tham ô.

- Lãnh đạo không chặt chẽ - Phân phối công việc sản xuất không kịp thời, không nghiêm chỉnh. Mạ gieo xong không ai chăm bón. Ruộng cày cuốc không kịp thời. Trong mùa gặt, một số xã viên đi làm việc khác để kiếm tiền.

- Không làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ - Thí dụ: Đối với gia đình thương binh và gia đình neo đơn, ban quản trị không giúp đỡ họ theo đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.

- Không đi đúng đường lối quần chúng - Đối với những xã viên thật thà nêu ý kiến hoặc phê bình, cán bộ không chịu lắng nghe, không chịu sửa chữa, mà còn dùng cách chụp mũ, đàn áp...

Nói tóm lại, những khuyết điểm đó cộng với kém giáo dục chính trị đã gây mâu thuẫn nặng nề giữa quần chúng xã viên và cán bộ, làm cho hợp tác xã mất đoàn kết; làm cho xã viên chán nản, bất mãn, và không yên tâm lao động sản xuất.

Mong rằng đảng bộ tỉnh, huyện và xã (thôn T.B. có nhiều đảng viên, lại là nơi chỉ đạo riêng của huyện!) giúp T.B. chấn chỉnh lại ngay, để nó cũng trở nên một hợp tác xã tốt.

T.L.

------------

- Báo Nhân Dân, số 2503, ngày 25-1-1961, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.15-16.


[1] Nay thuộc Thành phố Hà Nội (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.