(Trả lời các em Lan, Hoa..., nhân viên cửa hàng quốc doanh)

... Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ. Tức là cán bộ và nhân viên từ cấp trên đến cấp dưới đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Các cô cũng vậy.

Là nhân viên cửa hàng quốc doanh (hàng ăn uống, hàng bách hóa, v.v.), hàng ngày hàng giờ các cô mua bán, trao đổi, tiếp xúc với nhân dân để phục vụ nhân dân. Đối với khách hàng, các cô phải có thái độ khiêm tốn, lễ phép, thật thà; phải có tinh thần trách nhiệm đối với của công và đối với lợi ích của nhân dân.

Nói chung thì số đông nhân viên cửa hàng quốc doanh đều cố gắng làm đúng như vậy.

Nhưng vẫn còn một số ít nhân viên có thái độ giả dối, hách dịch, không tốt. Chúng ta cần phải vạch ra để giúp họ sửa chữa và tiến bộ. Vài thí dụ:

- Cửa hàng lương thực xã Phương Liệt (Hà Nội) bán gạo cho nhân dân mỗi yến thường thiếu 3, 4 lạng, có khi thiếu một cân! Gạo tốt thì cất riêng để bán cho người quen. Bà con của nhân viên cửa hàng đến mua thì toàn vào cửa sau, không phải xếp hàng1.

- Đồng chí H. mua một cân đậu xanh ở Cửa hàng mậu dịch Vinh, khi cân lại chỉ được hơn 8 lạng. Đồng chí H. hỏi, thì nhân viên cửa hàng bảo: “Từ trước đến nay vẫn dùng cân này, mà chưa hề có ai kêu sai” (???). Có một nhân viên lại nói: “Không bằng lòng mua thì trả lại...”2 (!!!).

Các em thử nghĩ xem, phải chăng đó là tham ô, gian lận? Phải chăng đó là thái độ phục vụ nhân dân?

Đảng và Chính phủ dạy chúng ta phải kính trọng nhân dân, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Không thể tha thứ những thái độ khinh miệt nhân dân, những việc làm dối trá với nhân dân như vậy.

Các đồng chí cán bộ phụ trách các cửa hàng quốc doanh cần phải nghiêm khắc kiểm thảo và quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm đó. Mọi người phải thật sự một lòng một dạ phục vụ nhân dân.

T.L.

----------------

- Báo Nhân Dân, số 2496, ngày 18-1-1961, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.10-11.


 1. Báo Nhân Dân, ngày 11-1-1961 (TG).

 2. Báo Nhân Dân, ngày 11-1-1961 (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.