Đồng chí Lêpêxinxkaia năm nay 83 tuổi, là một đảng viên già nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô, là một người khoa học nổi tiếng ở Liên Xô và khắp thế giới.

Gia đình đồng chí Lê là đại tư bản, chú ruột là Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Nga hoàng.

Lúc 18 tuổi, đi thăm một mỏ than, đồng chí Lê cảm thấy rằng: Đời sống phong lưu sung sướng của gia đình mình đã xây dựng trên mồ hôi nước mắt của giai cấp lao động. Từ đó, đồng chí đoạn tuyệt với gia đình không trở về nhà nữa. Để tiếp tục học nghề thuốc, đồng chí bán hết đồ đạc, kế đến đi làm thuê. Vì thiếu thốn và khó nhọc, đồng chí đã mắc bệnh lao.

Năm 1895, đồng chí Lê tham gia “Hội đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân” do Lênin mới lập ra, lúc đó chỉ có 3 hội viên.

Năm ấy, Lênin và một số đồng chí nữa bị bắt. Đồng chí Lê giả làm vợ của đồng chí Lêpêxinxki để phụ trách liên lạc giữa các đảng viên. Năm 1897, Lênin với nhiều đồng chí khác (trong đó có cả đồng chí Lêpêxinxki) bị đày đi Xibêri. Đồng chí Lê cũng theo đi và cùng đồng chí Lêpêxinxki thành vợ chồng thật.

Đầu năm 1900, các đồng chí bị tù được tha về. Lênin giao cho mọi người và đồng chí Lê nhiệm vụ phổ biến tờ báo bí mật (báo Tia sáng) của Đảng. Cách ít lâu, đồng chí Lê sang nước Thụy Sĩ, tiếp tục học thuốc, và giúp tổ chức những nhóm học sách Mác.

1903, Đại hội Đảng lần thứ II vừa xong, vợ chồng đồng chí Lê lại bị bắt, lại bị đày đến Xibêri. Đảng giao cho đồng chí Lê tổ chức cho chồng vượt ngục; làm trọn nhiệm vụ, đồng chí Lê bồng con (mới đẻ) chạy trốn. Sang đến Thụy Sĩ, Lênin giao cho đồng chí Lê phụ trách việc tiếp tế cho 150 đảng viên lánh nạn ở đó.

Sau Cách mạng 1905, Lênin cùng các đồng chí trở về Nga. Vì bị tình nghi chính trị, vợ chồng đồng chí Lê không tìm được việc làm. Đồng chí Lê vừa thổi cơm thuê cho học sinh, vừa học thuốc. Năm 1912, nhân cuộc biểu tình ủng hộ công nhân mỏ Lêna, đồng chí Lê lại bị bắt. Mãi đến 44 tuổi, đồng chí Lê mới thi đỗ khóa thuốc, 52 tuổi, sau Cách mạng Tháng Mười thành công, mới có dịp làm công tác khoa học về sinh vật.

Đồng chí Lê vừa nghiên cứu, vừa tự mình thí nghiệm. Tuy đã 83 tuổi, đồng chí Lê vẫn mạnh khỏe và hăng hái làm việc như thường. Hồi 65 tuổi, đồng chí Lê đã thi được bằng cấp thể thao và được bằng cấp “Người bắn súng giỏi của Liên Xô”.

Đồng chí Lê là một gương mẫu sáng suốt - đối với gia đình, đối với Đảng, đối với cách mạng.

C.B.
--------

- Báo Nhân Dân, số 162, từ ngày 26 đến ngày 31-1-1954, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.394-395.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.