Trước kia, công việc thủy nông, Trung Quốc cũng làm loanh quanh như Việt Nam ta bây giờ, nghĩa là ham làm đại thủy nông và tách rời việc chống hạn, chống lụt, chống úng. Thành thử năm này qua năm khác cứ phải lo chống nạn này rồi tiếp đến chống nạn khác.

Nay Trung Quốc đã chú trọng làm nhiều tiểu thủy nông và kết hợp ba chống với nhau, biến nước có hại thành nước có lợi, bắt buộc cả ba thứ nước (nước mưa, nước sông, nước dưới đất) phục vụ cho nhà nông.

Khi làm thủy nông thì khéo tổ chức người này với người khác, tổ này với tổ khác, xã và huyện này với các xã và huyện khác thi đua, kiểm tra và giúp đỡ lẫn nhau. Lại thường xuyên tổ chức những cuộc nói chuyện, tham quan, trưng bày, để trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. Kịp thời khen thưởng những cá nhân và đơn vị tiên tiến, khuyến khích, dắt dìu những cá nhân và đơn vị lạc hậu.

Về tuyên truyền và động viên cũng làm rất khéo. Khắp thành thị và thôn quê đều có khẩu hiệu. Phổ biến những bài vè do quần chúng tự đặt ra, dễ hiểu, dễ nhớ như:

Làm thủy nông, khó nhọc là tạm thời,

Thủy nông thắng lợi, thì muôn đời ấm no!”.

Chúng ta toàn Đảng, toàn dân,

Quyết tâm trị thủy một lần phải xong,

Làng Đoài thi đua với làng Đông,

Nông dân cách mạng phản công tai trời,

Thắng lợi ở nơi sức người,

Không mưa cũng phải thu hoạch gấp mười có mưa!”.

Bí thư các cấp ủy Đảng luôn luôn đi trước quần chúng, và đầu nghĩ, miệng nói, tay làm. Đảng viên, đoàn viên thanh niên, cán bộ ngoài Đảng cũng như cán bộ trong Đảng luôn luôn làm gương mẫu, cùng quần chúng hòa thành một khối. Vì vậy, quần chúng vô cùng hăng hái, hy sinh quên mình. Thí dụ: Có khi công việc cấp bách cần đến tre gỗ, họ tự động tháo phên vách và cột nhà mình đưa dùng vào việc công. Khi cần tiền gấp họ quyên góp cả số tiền dành dụm để cưới vợ, hoặc quyên cả những “gia bưu” tổ tiên để lại.

Nông dân có nhiều kinh nghiệm và sáng kiến rất hay. Và khi làm thì họ làm suốt ngày đêm, không quản nắng mưa, không ngại mùa đông giá rét:

Trời rét, nhưng ấm trong lòng ta

Thủy nông chưa thắng lợi, thì quyết không bước ra ngoài công trường”.

Phong tục Trung Quốc cũng như phong tục ta, ngày Tết là một dịp rất quan trọng, ít nhất cũng nghỉ việc ba hôm để ăn uống mừng Xuân. Nhưng Tết Mậu Tuất vừa rồi nông dân không nghỉ ngày nào. Họ hẹn nhau hôm Nguyên đán:

Canh năm, dụng cụ sẵn sàng,

Đến công trường ăn Tết, cả làng vui Xuân”.

Kết quả là Hà Nam có 122 huyện, thì 105 huyện đã làm xong thủy nông. Toàn tỉnh đã có nước tưới cho 23.400.000 mẫu ta, tức là 86,6% tổng số ruộng đất trong tỉnh. Một điều nữa đáng chú ý là trong tám năm qua, Chính phủ đã chi 500.000.000 đồng cho tỉnh, mà chỉ hoàn thành 360.000.000 thước khối đất và đá. Nửa năm nay, Chính phủ chỉ giúp 30.000.000 đồng mà nông dân trong tỉnh đã làm được 8.000.000.000 thước khối đất và đá.

Mỗi ngày, mỗi người nông dân đào hơn 15, 16 thước khối đất, có người đào được 33 thước tức là năng suất cao hơn mười mấy lần mức đã định. Có khi lương thực chưa tiếp tế kịp, họ ăn cám, ăn rau, nhưng vẫn vui vẻ làm việc.

Vì những lẽ kể trên, công trình thủy nông Trung Quốc đã hoàn thành vượt mức, và kế hoạch tăng gia sản xuất đã thắng lợi một cách vẻ vang.

Trên đây tôi nói: Trung Quốc làm thủy nông nhỏ là chính, dân tự làm lấy là chính. Như vậy không có nghĩa là Trung Quốc không làm thủy nông to. Trái lại, ngoài những đại thủy nông đã làm xong, đầu tháng 6-1958, tỉnh Cam Túc (một tỉnh 87% là rừng núi) vừa bắt đầu làm con kênh sông Triệu. Kênh này dài 1.120 cây số, 19 kênh con của nó dài 2.500 cây số. Nó phải xuyên qua 100 cái hầm núi, có cái dài năm cây số, và vượt qua 1.400 cái hố. Có nơi kênh leo cao đến 400 thước tây. Kênh Triệu sẽ biến 5.000.000 mẫu ruộng khô thành ruộng nước. Tiền vốn xây dựng là 14.000.000 đồng. Nông dân góp 12.000.000. Chính phủ giúp 2.000.000. Hiện nay 200.000 nông dân đang xẻ núi đào kênh.

Kho chứa nước Mười ba Lăng” cũng là một công trình to lớn. Đặt tên là kho “Mười ba Lăng” vì ở đó có Lăng của mười ba đời vua nhà Minh, trong đó có vua Gia Tĩnh. Đồng bào Việt Nam ta nhiều người biết tên vua Gia Tĩnh, nhờ câu Kiều “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh”. Kho này ở bên chân núi và trên dòng sông Du, cách Bắc Kinh 50 cây số. Kho dài mười lý, rộng bảy lý. Con đê chính dài 618 thước tây, mặt đê rộng bảy thước rưỡi, chân đê rộng 179 thước. Kho chứa được 60.000.000 thước khối nước, sẽ tưới cho 50.000 mẫu ruộng, mỗi mùa sẽ tăng sản lượng 25.000 tấn lương thực. Mỗi năm sẽ sản xuất 500.000 kilô cá. Cùng với mười ba ngôi Lăng, núi Rồng, núi Phượng, núi Cọp, núi Tiên... kho nước này sẽ làm cho phong cảnh ở đây thêm tươi đẹp.

Các đơn vị Giải phóng quân đóng ở Thủ đô là lực lượng chính trong công trình này.

300.000 nhân dân Bắc Kinh (công nhân các nhà máy, cán bộ các cơ quan, thầy giáo và học trò các trường học, tín đồ các tôn giáo...) và 30.000 nông dân vùng chung quanh đều đến làm lao động nghĩa vụ. Họ đã góp hơn 7.000.000 ngày công. Họ tổ chức những đội xung phong, những đội đột kích. Trong sáu tháng họ đã bầu được 2.872 đơn vị và 20.409 chiến sĩ xuất sắc.

Mao Chủ tịch, các đồng chí Trung ương, các đại biểu Đại hội Đảng, nhân viên các sứ quán, chuyên gia các nước bạn cũng đã góp phần lao động ở kho.

Bắt đầu từ 21-1-1958, sau 140 ngày và đêm thi đua, hôm 11-6 những công trình căn bản đã làm xong. Trước mùa mưa, kênh sẽ hoàn thành hết. Đại biểu các báo tư sản nước ngoài khi đầu không tin rằng người Bắc Kinh làm giỏi như vậy.

Một nước, hai phân, ba cần, bốn cải tiến kỹ thuật

Nông dân Trung Quốc cũng có câu như vậy. Họ nói: “Nước là máu ruộng”. Nhưng để bồi bổ ruộng đất, còn cần phải có phân, rất nhiều phân. Họ bón mỗi mẫu nơi ít là 450 gánh (mỗi gánh 50 kilô), nơi nhiều là 650 gánh. Số phân dùng hiện nay so với năm 1952 là nhiều gấp bốn lần rưỡi, so với năm 1956 nhiều gấp hai lần. Hơn nữa ở tỉnh Tứ Xuyên có nơi bón 50.000 đến 100.000 kilô. Nông dân ta mỗi mẫu chỉ bón độ 45 gánh phân. Như thế là ít quá. Ngoài phân hóa học và phân gia súc, nông dân Trung Quốc còn tìm ra 100 thứ phân khác, như đất trong hang núi, rêu dưới biển và bùn dưới sông ngòi, hồ ao... Họ lại rất chú trọng bón sớm và bón nhanh, bón nhiều lần.

Về Cần, thì trong công việc thủy nông, ta đã thấy nông dân Trung Quốc cần cù thế nào. Nhờ cần như vậy, cho nên mùa lúa mạch năm nay (cuối tháng 5 đầu tháng 6) nơi thì thu hoạch tăng gấp hai, nơi thì tăng gấp ba.

Đề phòng mưa gió, nông dân đã “gặt cướp” cả ngày cả đêm. Những huyện lúa chưa chín, nông dân tự động mang cơm gạo và liềm hái đến gặt giúp những huyện lúa đã chín rồi. Ở Hà Nam hơn một triệu học sinh, cán bộ các cơ quan và anh em bộ đội cũng đến gặt giúp.

Tổng kết vụ gặt, Tỉnh ủy Hà Nam đã nêu lên mấy điểm tốt:

- Tư tưởng của quần chúng, phát động tốt.

- Kế hoạch gặt mùa này và chọn giống cho mùa sau, thực hiện tốt.

- Dụng cụ gặt và đập lúa, sắm sửa tốt.

- Sự hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa địa phương này với địa phương khác, tiến hành tốt.

- Sinh hoạt của nông dân, sắp xếp tốt.

- Lực lượng lao động, bố trí tốt.

- Khi việc gặt bận rộn, nơi ăn uống và chỗ gửi trẻ, tổ chức tốt.

- Các cơ quan, bộ đội và trường học, giúp đỡ tốt.

- Các công việc khác, phối hợp tốt.

Lời tổng kết đó cũng là kinh nghiệm tốt cho chúng ta tham khảo.

Cải tiến kỹ thuật là rất cần thiết. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng hai đám ruộng A và B (đất, nước, phân, cần) ngang nhau, nhưng ruộng A có kỹ thuật tiên tiến, ruộng B không có, thì ruộng A nhất định thu hoạch nhiều hơn và sớm hơn ruộng B.

Nhưng nông dân thường quen làm ăn theo lối cũ. Đối với kỹ thuật mới, lúc đầu họ không tin.

Muốn cho họ tin, trước hết, Bí thư các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải làm những đám ruộng thí nghiệm, dùng kỹ thuật tiên tiến. Rồi động viên nông dân đến tham quan, xem xét, thảo luận. Làm như vậy, đồng thời đánh thông được tư tưởng quần chúng, giải quyết được vấn đề kỹ thuật, lại tránh được bệnh quan liêu, mệnh lệnh của cán bộ.

Như thế chưa đủ. Còn phải tổ chức những nhóm kỹ thuật. Nhóm này do cán bộ Đảng làm chủ chốt chính trị, nhân viên kỹ thuật làm cốt cán chuyên môn, các cụ nông dân già và hăng hái thì góp những kinh nghiệm sản xuất. Nhóm kỹ thuật là đầu tàu trong việc làm ruộng thí nghiệm và cải tiến kỹ thuật. Họ tổ chức những cuộc nói chuyện và những lớp huấn luyện ban đêm. Họ kết hợp nghiên cứu với công tác, thí nghiệm với thực tế.

Khi đã trông thấy kết quả tốt của việc cải tiến kỹ thuật, thì nông dân hăng hái làm theo và có rất nhiều phát minh, sáng kiến.

Vừa rồi, Trung Quốc có mở những cuộc trưng bày nông cụ, kết quả rất tốt: năm tháng trước đây, Trung Quốc chưa làm được máy cày. Hiện nay đã làm được hơn 70 kiểu, to có, nhỏ có. Bên cạnh những máy cày to có những kiểu máy nhỏ cày được cả ruộng khô, ruộng nước, ruộng đồi và có thể dùng để tát nước, xay lúa.

Có hơn 2.000 thứ máy thô sơ làm bằng gỗ và tre, do nông dân chế tạo, để xe đất, tát nước, đào giếng, cày ruộng, cấy lúa, v.v..
Thí dụ: trong công việc đồng áng, cấy lúa là khó nhọc nhất. Trên lưng thì nắng đốt, chân tay thì ngâm bùn. Suốt ngày phải cúi lom khom. Hàng nghìn năm nay, nông dân Trung Quốc cũng như nông dân Việt Nam ta vẫn cấy theo lối đó.

Một nông dân Quảng Đông mới đóng một thứ “thuyền cấy”. Thuyền làm toàn bằng gỗ (cũng có thể đan bằng tre), dài độ một thước tây, rộng độ bốn, năm tấc. Trên thuyền có chỗ để mạ, chỗ ngồi và chỗ cắm ô để che mưa nắng.

Người ngồi trên thuyền mà cấy, đã khỏe khoắn, năng suất lại tăng được 20 đến 30% so với người cấy không dùng thuyền.

Vài tuần sau, một y tá ở một hợp tác xã nông nghiệp (Phúc Kiến) đã cải tiến thuyền ấy thành một máy cấy thật sự. Máy này cũng rất giản đơn, chỉ lắp thêm vào trước thuyền một cái guồng bằng gỗ, nó có bốn cái tay cấy, thay thế cho tay người. Máy này có mấy đặc điểm như sau:

1- Đơn sơ, người thợ mộc nào trông thấy qua một lần, cũng làm được;

2- Rẻ tiền, đóng một chiếc máy chỉ tốn độ mười đồng nhân dân tệ;

3- Giản tiện, có thể tháo ra, lắp vào. Đàn bà trẻ con cũng lái máy được;

4- Năng suất cao gấp đôi một người cấy giỏi bằng tay. Sau này cải tiến thêm, năng suất có thể lên cao hơn nữa.

Những phát minh của nông dân rất có ích, nhưng cũng rất tầm thường; tầm thường đến nỗi các kỹ sư nông học nổi tiếng không bao giờ nghĩ đến, hoặc không dám nghĩ đến. Sau cuộc trưng bày nông cụ, Viện Khoa học nông nghiệp trung ương đã mời 21 người nông dân “kỹ sư” làm “nghiên cứu viên” (xưa nay, những nghiên cứu viên được các viện khoa học mời như thế, là những người đã có tiếng tăm trong khoa học). 21 người đó, người thì trình độ văn hóa còn thấp, người thì chưa biết chữ, người thì làm thủ công nghiệp ở nông thôn. Nhưng họ là những người dám tìm tòi, suy nghĩ, dám thử làm, và đã đại biểu cái tư chất tài giỏi và khôn khéo của nông dân lao động.

TRẦN LỰC

---------------------------

- Báo Nhân Dân, số 1574, ngày 4-7-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.440-446.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.