Đối với các dân tộc, chính sách của bọn thực dân và phong kiến là: chia để trị. Chúng dùng mọi thủ đoạn đê hèn để chia rẽ các dân tộc và để kìm hãm các dân tộc trong vòng nghèo nàn và dốt nát.

Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là: Các dân tộc đều bình đẳng và phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em. Đồng bào miền xuôi phải ra sức giúp đỡ đồng bào miền ngược cùng tiến bộ về mọi mặt. Chính sách đúng đắn ấy đã bắt đầu đạt những kết quả tốt đẹp.

Về đời sống vật chất - Từ ngày thực hiện cải cách dân chủ gắn liền với tổ chức hợp tác xã nông nghiệp, cách làm ăn của đồng bào miền ngược đã tiến bộ nhiều và đời sống đã được cải thiện hơn.

Về đời sống văn hóa thì tiến bộ càng nhanh. Thí dụ: Trước kia đồng bào Mèo[ 1] không có chữ viết của dân tộc mình. Ngoài một vài cụ già biết chút ít chữ Hán, còn 99% người Mèo đều mù chữ.

Từ năm 1959, với sự săn sóc của Đảng và Chính phủ ta, đồng bào Mèo đã có chữ viết của dân tộc mình. tỉnh Lào Cai có hơn 70 xã người Mèo. Năm 1959, sau khi mới có chữ Mèo, chỉ có một người biết đọc, biết viết. Hiện nay, có hơn 300 cán bộ và thầy giáo dạy chữ Mèo và hơn 5.900 người Mèo học các lớp.

Đó là một thắng lợi mới về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, và thắng lợi đầu tiên của đồng bào Mèo về mặt văn hóa. Có thắng lợi đó là do Tỉnh ủy Lào Cai lãnh đạo thiết thực, do đồng bào Mèo cố gắng học hành và đồng bào xã Bản Phố đã tiến bộ khá nhất.

Mong rằng đồng bào các xã miền ngược thi đua với Bản Phố trong công việc xóa nạn mù chữ, đồng bào Bản Phố thì nên thi đua học bổ túc văn hóa để nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết của mình.

Muốn đẩy mạnh phong trào học chữ, cách tốt nhất là: Người đã biết chữ thì thi đua dạy người chưa biết. Người chưa biết chữ thì thi đua học cho biết. Cán bộ tỉnh và huyện thì thi đua giúp đỡ các xã gây thành một phong trào học chữ, kết hợp chặt chẽ với phong trào thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Làm được như vậy, thì đời sống vật chất và đời sống văn hóa của đồng bào miền ngược sẽ đều tiến bộ nhanh.

Cần nhắc một điều nữa: Nếu không biết tiếng địa phương thì như nửa câm, nửa điếc khó gần gũi quần chúng. Cho nên, cán bộ miền xuôi công tác ở miền ngược cần phải học tiếng địa phương.

Cuối cùng, báo Nhân Dân gửi lời thân ái khen ngợi đồng bào xã Bản Phố đã có vinh dự là xã người Mèo đầu tiên xóa xong nạn mù chữ, và chúc đồng bào tiến bộ không ngừng.

T.L.

-------------------

[1] Nay gọi là dân tộc Mông (BT).

- Báo Nhân Dân, số 3149, ngày 8-11-1962, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.495-496.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.