Marốc là thuộc địa Pháp ở Bắc Phi. Vua Marốc tên là Yútxép có xu hướng tiến bộ. Vì vậy, năm 1953, vua Yútxét bị thực dân Pháp bắt đầy sang Mađagátxca.

Từ ngày ấy, nhân dân Marốc nổi lên chống Pháp kịch liệt. Ở thôn quê thì họ du kích. Ở thành thị thì họ trừ gian. Họ làm cho Pháp và ngụy ăn không yên, ngủ không được. Dần dần họ tổ chức thành quân đội hẳn hoi, chiến tranh ngày càng lan rộng.

Chiến tranh ở Marốc cũng gây tai hại cho nhân dân Pháp. Vì vậy, nhân dân Pháp cũng chống chiến tranh xâm lược và ủng hộ nhân dân Marốc.

Buộc phải đàm phán với các lãnh tụ Marốc, Chính phủ Pháp vẫn khư khư đòi: Dù sao, Yútxép nhất định không được trở về Marốc và không được lại làm vua.

Nhưng cuối cùng, Chính phủ Pháp phải nhượng bộ, phải mời ông Yútxét trở về làm vua. Và Bộ Ngoại giao Pháp (cách đây 2 năm đã nói xấu Yútxép lút mặt lút mày), đã nói với một giọng nịnh hót: “Cuộc gặp gỡ giữa đức vua Marốc và ngoại trưởng Pháp đã mở cho mối quan hệ giữa hai nước một tương lai vẻ vang”.

Hôm 16-11, nhân dân Marốc đã tổ chức những cuộc mít tinh khổng lồ để hoan nghênh vua Yútxép. Trước mặt nhân dân Marốc, vua Yútxép đã đường hoàng tuyên bố:

“Từ nay, Marốc là một nước độc lập, tự do. “Chế độ đỡ đầu” 43 năm nay, cũng chấm dứt. Điều ước “bảo hộ” Marốc buộc phải ký hồi 1917, cũng xoá bỏ”.

Thế là cuộc chiến đấu của nhân dân Marốc chống thực dân đã thu được kết quả vẻ vang. Đó cũng là một thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.

C.B.

------------

Báo Nhân Dân, số 631, ngày 24-11-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.