"Ba huyện Hòa An, Hạ Lang, Quảng Uyên đã căn bản xóa xong nạn mù chữ. Thế là tỉnh Cao Bằng đã có năm huyện và miền núi đã có mười huyện, toàn huyện xóa xong nạn mù chữ" (Tin các báo).

Đó là một thắng lợi bước đầu rất vẻ vang trên mặt trận văn hóa của nhân dân ta.

Nhớ lại ngày phong trào Việt Minh mới bắt đầu, ở Cao Bằng các em Mán đi chăn trâu, các chị Thổ đi lấy rau lợn, ai cũng mang theo một quyển vở nhỏ xíu để học chữ quốc ngữ. Có những anh em Trại đi xa chín, mười cây số học được một ít chữ cái, về dạy cho bà con trong xóm. Dạy hết lại đi học thêm, về dạy nữa. Dù ở nơi hang cùng núi hẻm, nhà nào cũng có vài quyển vở nhỏ và vài cây bút chì giấu kín trên mái nhà, tối đến thì lấy ra học. Phải giấu kín, vì bọn mật thám Pháp, mật thám Nhật và mật thám ngụy tò mò khắp nơi, thấy ai học thì chúng cho là Việt Minh và chúng bắt!

Kháng chiến thắng lợi, hòa bình trở lại vừa được ít năm, mà miền núi đã có những huyện xóa xong nạn mù chữ (đó là chưa kể những thôn, những xã lẻ tẻ). Hơn nữa, đã có những đồng bào thiểu số thi đỗ kỹ sư, bác sĩ. Đó là một thắng lợi vẻ vang, nó góp phần vào thắng lợi chung về cách mạng văn hóa của nhân dân ta.

Năm 1940 là năm "toàn thịnh" dưới chế độ thực dân Pháp, mà cả Đông Dương chỉ có ở

các trường tiểu học và trung học 400.000 học trò,

các trường cấp 3 500 học trò,

các trường đại học 580 học trò.

Hiện nay, riêng miền Bắc ta có

các trường phổ thông hơn 2.872.000 học trò,

các trường trung cấp chuyên nghiệp  32.000 học trò,

các trường cấp 3 27.800 học trò,

các trường cao đẳng 11.400 học trò,

đi học ở các nước bạn 3.000 học trò.

Các lớp, các trường bổ túc văn hóa thì ở các cơ quan, nhà máy, công trường, hợp tác xã... đâu đâu cũng có. Tính bình quân, cứ 6 người dân thì có một người đi học.

Về mặt văn hóa, thì dù ai mù quáng đến mấy cũng phải thấy rằng chế độ xã hội chủ nghĩa của ta đã thắng lợi vẻ vang.

Chúng ta có quyền tự hào, nhưng chúng ta không được tự mãn. Đảng, Chính phủ, Đoàn Thanh niên Lao động và nhân dân ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, đẩy mạnh phong trào cách mạng văn hóa lên cao hơn và rộng khắp hơn nữa, để thu nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Viết thêm - Nhân viết bài này, tôi mạn phép thay mặt đồng bào gửi lời hỏi thăm và khen ngợi những anh chị em giáo viên đã xung phong lên công tác ở miền núi.

T.L.

-------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2389, ngày 3-10-1960, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.695-696.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.