Sau ngày tết Quốc khánh tưng bừng, hàng triệu con em chúng ta ở miền Bắc hăm hở vào năm học mới. Chẳng những học trò, cha mẹ, cô giáo và thầy giáo vui mừng, mà tất cả đồng bào chúng ta đều vui mừng. Mà đáng vui mừng thật. Vì đó là thành tích vẻ vang chung của toàn dân ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta đang hăng hái thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mà xã hội chủ nghĩa là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa của nhân dân.

Do nhân dân ta hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, cộng với sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em - trước hết là Liên Xô và Trung Quốc, nền kinh tế của ta ngày càng tiến lên, đời sống vật chất được cải thiện từng bước.

Về đời sống văn hóa, chúng ta có thể tự hào (nhưng không tự mãn) với thắng lợi to lớn đã giành được. So sánh mấy con số sau đây thì rõ:

Số học sinh: Hồi thuộc Pháp (1939 - 1940):

Cả xứ Đông Dương:

Đại học: 580

Chuyên nghiệp: 400

Phổ thông: 567.000

Vỡ lòng: 82.000

Cộng: 649.980

Hiện nay (1961 - 1962):

Riêng ở Miền Bắc:

Đại học: 18.598

Chuyên nghiệp: 49.596

Phổ thông: 2.323.860

Vỡ lòng: 1.017.650

Cộng: 3.409.704

Ngoài số học sinh học ở trường, còn có hàng vạn cán bộ, công nhân, nông dân theo học những lớp bổ túc văn hóa. Một thành tích nữa là 95% đồng bào ta đã xóa xong nạn mù chữ. (Về điểm này, một số nước gọi là tiên tiến còn kém thua ta; thí dụ: số người mù chữ ở Nhật và ở Ý là 14%).

Từ nay, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công việc bổ túc văn hóa, và cố gắng xóa nạn mù chữ cho xong.

Ở các trường, trước đây chúng ta đã làm, từ nay cần tăng cường hơn nữa. Kết hợp chặt chẽ lý luận với thực hành, giáo dục với lao động, văn hóa với đạo đức cách mạng. Cần làm cho con em chúng ta thành những trò giỏi, con ngoan, bạn tốt, và mai sau là những công dân dũng cảm, cán bộ gương mẫu, người chủ xứng đáng của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một điều quan trọng nữa: Mỗi người chúng ta đều phải nhận trách nhiệm góp phần vào việc giáo dục. Do đó, cần phải liên hệ chặt chẽ việc giáo dục giữa nhà trường với gia đình, với xã hội; giữa nhà trường với các đoàn thể - trước hết là đoàn thể thanh niên.

Năm học này đúng vào năm đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của chúng ta. Đồng bào ta đang có phong trào thi đua sôi nổi: “Đại Phong”, “Duyên Hải”, “Ba nhất”, “Thành Công”. Vậy, các nhà trường cũng nên phát động một phong trào thi đua “Hai tốt” - tức là dạy thật tốt, học thật tốt.

Chúc các em học sinh học tập giỏi, lao động tốt, tiến bộ nhiều!

T.L.

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2725, ngày 7-9-1961, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.193-144.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.