Tin tức các báo (23-5): "Mỹ muốn giúp nước Li-băng 17 triệu đô-la, nhưng Libăng từ chối, không nhận". Có lẽ bà con ta lấy làm lạ, vì sao người ta mời lấy tiền, mà Li-băng lại từ chối? Xin xem câu chuyện dưới đây, thì bà con sẽ rõ:

"Liên Xô đã giúp:

300 triệu đô-la cho Nam Tư để phát triển thêm kinh tế,
100 triệu đô-la cho Áp-ga-ni-xtan để xây dựng đê điều thuỷ lợi,
150 triệu đô-la cho Ấn Độ để lập xưởng đúc gang, mỗi năm sản xuất 1 triệu tấn,
500 triệu đô-la cho Ba Lan,
125 triệu đô-la cho nước Đức dân chủ,
250 triệu đô-la cho Triều Tiên dân chủ,
1.400 triệu đô-la cho Trung Quốc để thêm vốn vào kế hoạch 5 năm.

Liên Xô giúp các nước đủ sức để sản xuất mỗi năm 9 triệu tấn gang, 4 triệu tấn dầu lửa, 5 triệu rưởi ki-lô-oát điện...

Liên Xô lại giúp các nước dân chủ Đông Âu 1.500 kỹ sư, và giúp các nước ấy đào tạo thêm 2.300 kỹ sư và chuyên gia.

Liên Xô có thể giúp các nước nhiều như vậy, là vì kinh tế của Liên Xô phát triển rất nhanh; công nghiệp nặng của Liên Xô năm nào cũng sản xuất vượt mức kế hoạch đã định. Nhất là Liên Xô sản xuất mau chóng đủ các thứ máy móc, đào tạo ra nhiều kỹ sư và chuyên gia".

Đó là báo cáo của Đa-lét trước Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 5. Đa-lét nói thật, đó cũng là một tin tức lạ.

Từ 1950 đến nay, Mỹ đã "giúp" các nước phe Mỹ 25.000 triệu đôla, trong số đó hơn 13.000 triệu là vũ khí. Vả lại, như tờ báo tư sản Mỹ Tin tức (14-4) đã viết:

"Các nước châu Á không ưa "viện trợ" của Mỹ, vì nó kèm theo nhiều điều kiện nặng nề... Bởi vì Mỹ cốt bán chạy các hàng hóa ế đọng của Mỹ, chứ không giúp đỡ thật sự cho các nước ấy... Sự giúp đỡ của Liên Xô thì hợp với nhu cầu của các nước được giúp..., làm cho các nước mới được độc lập thoát khỏi ách kinh tế của phương Tây...".

Hôm 2-4, Hội các chủ nhà máy Mỹ đã tuyên bố rõ ràng: "Mỹ không nên giúp cho các nước xây dựng công nghiệp, vì e họ sẽ cạnh tranh với công nghiệp Mỹ".

Hôm 11-4, một đại biểu Quốc hội Phi Luật Tân nói: "Viện trợ của Mỹ kèm theo những điều kiện tàn nhẫn hơn là xiềng xích sắt...".

Cũng vì lẽ đó, mà Thủ tướng Pháp đã nói: "Mỹ càng giúp đỡ, thì thiên hạ càng oán ghét Mỹ".

Và Thủ tướng nước Xây Lan nói: "Đô-la Mỹ không thể mua chuộc lòng tự tôn của nhân dân ta...".

Vậy, người Mỹ có câu rằng:

Có tiền mà cậy chi tiền,
Mất tiền, mà lại vô duyên lạ đời!

C.B.

---------

- Báo Nhân Dân, số 827, ngày 9-6-1956, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.342-343.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.