Bước sang năm nay, phong trào ủng hộ ta và lên án Mỹ sôi nổi khắp thế giới và ở cả Hoa Kỳ, nhất là từ hôm Mỹ lại tiếp tục ném bom sau ngày Tết ta.

Chỉ kể trung tuần tháng 2, ở Mỹ đã có những cuộc vận động lớn như sau:

- Một triệu tín đồ các đạo Giatô, Tin lành và Do Thái ở 412 thành phố trong 37 bang ở Hoa Kỳ, tức là khắp cả nước Mỹ, đã nhịn đói suốt ba ngày để chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam (9 đến 11-2-1967).

- Một vạn chị em thuộc “Hội Phụ nữ đấu tranh cho hòa bình” đã rầm rộ tổ chức biểu tình, xông vào Bộ Quốc phòng Mỹ. Chị em biểu tình đã mang theo những bức ảnh trẻ em Việt Nam bị bom napan Mỹ đốt cháy và những khẩu hiệu kịch liệt chống chiến tranh (15-2-1967).

- Hơn 5.000 vị khoa học nổi tiếng ở Mỹ viết thư đòi tổng Giôn phải chấm dứt việc dùng các loại hơi độc ở Việt Nam. Trong các vị đó, có 17 người đã được giải thưởng quốc tế Nôben và 129 người là Hàn lâm khoa học, tức là những người khoa học có danh vọng nhất ở Mỹ (15-2-1967).

- Bộ Quốc phòng Mỹ đã hấp tấp ra lệnh cấm các cơ quan chỉ huy chiến tranh không được mua tờ tuần báo Vensơ của các nhà thờ Công giáo Mỹ. Vì sao? Vì tờ báo ấy đã đăng một bài thơ[1] của em gái Bácbara Bếtlơ, 12 tuổi, viết về tội ác máy bay Mỹ ném bom xuống các làng mạc gần Hải Phòng và giết chết nhiều trẻ em. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng thơ của em Bácbara Bếtlơ sẽ gây rối ren cho vấn đề Việt Nam.

Kết luận: Tóm tắt mấy việc trên đây chứng tỏ rằng: Một là, nhân dân Mỹ, các tổ chức Công giáo và các đoàn thể khoa học, đàn ông, đàn bà và trẻ em đều chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Hai là, bọn đế quốc hung hăng như bè lũ Giônxơn mà phải run sợ trước một bài thơ chính nghĩa của một cô bé 12 tuổi, như thế đủ thấy tinh thần của chúng hèn yếu đến mức nào! Cho nên chúng ta nói: Chính nghĩa nhất định thắng, nhân dân ta nhất định thắng. Đế quốc Mỹ nhất định thua.

CHIẾN SĨ

-----------------------

- Báo Nhân Dân, số 4699, ngày 19-2-1967, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.303-304.

1. Bản dịch bài thơ đã đăng báo Nhân Dân, số 4698, ngày 18-2-1967 (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.