Báo chí tư sản quen thói nói xấu Liên Xô. Nhưng có khi họ cũng buộc lòng phải nói tốt. Vừa rồi, gần 800 người Pháp được phép sang thăm Liên Xô, trong nhóm ấy có đủ các hạng người: tư bản, công nhân, nông dân, trí thức, chính khách, người viết báo... và già trẻ gái trai đều có. Khi trở về Pháp, mọi người thuật lại những điều mắt thấy tai nghe. Một ký giả của tờ báo tư sản "Thế giới" viết về chuyện đi thăm xưởng làm xe hơi ZIS, tóm tắt như sau:
Xưởng này mỗi năm sản xuất 10 vạn chiếc xe hơi ZIS sang trọng. Xưởng gồm có 50 nhà máy, 4 vạn công nhân. Cứ 15 công nhân thì có 1 kỹ sư. Xưởng có nhà thương, nhà nghỉ, nhà nuôi trẻ, 1 công viên, 1 vườn bách thú, 1 cung văn hóa với 2 thư viện chứa 10 vạn quyển sách. Xưởng có những nhà ở cho công nhân, kiểu nhà trú được 1.000 gia đình; mỗi gia đình có 2 phòng, 1 bếp và 1 chỗ tắm. Tiền thuê nhà chỉ bằng 2 đến 5% tiền lương của công nhân. Trong xưởng có 16 phòng ăn, rộng rãi sạch sẽ. Giá mỗi bữa ăn từ 3 đến 6 rúp.
Không khí trong nhà máy rất hòa mục[1]. Công nhân giúp đỡ lẫn nhau, 40% công nhân là phụ nữ, họ làm rất thạo những công việc mà ở Pháp chỉ có đàn ông làm. Xưởng có nhà đỡ đẻ; 82% phụ nữ dùng cách đẻ không đau.
Lương bổng có 7 bực. Bực thấp nhất mỗi tháng 600 đồng rúp. Nhưng chỉ có 1% công nhân lãnh lương bực ấy. Lương trung bình là 1.200 rúp. Bực cao nhất là 5.000 rúp. Với tiền thưởng tăng năng suất, công nhân thường lãnh gấp đôi lương chính. Với phong trào thi đua, 80 công nhân làm vượt mức. Mỗi năm, công nhân được nghỉ 21 ngày hoặc 1 tháng. Đi nghỉ vẫn được ăn lương.
Công nhân Liên Xô rất ham xem sách, báo và thích trồng hoa; xung quanh nhà máy đều là hoa và hoa.
Hơn 4.500 nhi đồng, con em của công nhân, có cung văn hóa riêng. Trong đó có thư viện, rạp hát và đủ các thứ âm nhạc, máy móc, cây cối, thú vật... cho trẻ em vừa chơi vừa học. Thấy như vậy, một bà cụ tư sản Pháp (trong nhóm du lịch) đã thật thà nói: "Dù sao, các trẻ ở đây cũng hơn thằng cháu của tôi, suốt ngày nó chỉ xem tiểu thuyết du côn Mỹ".
C.B.
------------
- Báo Nhân Dân, số 586, ngày 10-10-1955, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.160-161.
[1]. Hòa mục: Hòa đồng, vui vẻ (BT).