10 năm trước đây, quân đội Nhật Pháp tung hoành, nhân dân Việt Nam khốn khổ. Trong lúc đó ở Lạng Sơn, Cao Bằng, vài nhóm du kích bắt đầu tổ chức. Tuy cái gì cũng thiếu nhưng dũng cảm có thừa. Hồi đó có người nói với một giọng thương hại: “Châu chấu sao đấu nổi ông voi!”. Bác trả lời một cách đanh thép: “Bây giờ chúng ta mới có vài chục người du kích, chắc chắn sau này chúng ta sẽ có hàng chục vạn hùng binh”. Rất tin tưởng, đồng bào Cao - Lạng trả lời bằng cách khuyên con em tham gia các đội du kích và hết lòng ủng hộ các chiến sĩ như cha mẹ săn sóc đàn con cưng. Đảng giao cho Bác trực tiếp lãnh đạo. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, v.v. thì phụ trách việc tổ chức, huấn luyện chỉ huy. Thực dân Pháp và quân phiệt Nhật càn quét càng gắt gao, thì lực lượng du kích phát triển càng mau chóng. Phát triển đến đâu, ta thực hiện chính sách dân chủ của Mặt trận Việt Minh đến đó. Non một năm, phong trào du kích đã lan khắp cả nước từ Bắc đến Nam và đã trở nên đội quân chủ lực của Cách mạng Tháng Tám. Nhân dân ta lên nắm chính quyền. Việt Nam ta thành một nước độc lập.

Thực dân gây chiến, cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ bắt đầu. Những đội du kích nhỏ bé năm kia, đã thành hàng vạn Quân đội nhân dân hùng mạnh. Thực dân hiếu chiến Pháp đã phái những tướng cừ như Lơcléc, Tátxinhi với hơn 18 vạn binh sĩ Pháp cùng với 30 vạn binh sĩ Bảo Đại, do đế quốc Mỹ giúp tiền, giúp súng... Kết quả là quân ta thắng. Vì:

- Quân đội ta anh dũng, quyết tâm.

- Nhân dân ta nồng nàn yêu nước, hết lòng ủng hộ quân đội ta.

- Đảng và Chính phủ lãnh đạo đúng đắn, kiên quyết.

- Cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa, được nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ.

Nay chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã trở lại, nhiệm vụ của quân đội ta là: Thi đua học tập, củng cố quốc phòng, giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc, giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, làm lực lượng trụ cột cho công cuộc hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của nước ta.

Quân ta công trạng lớn lao,
Mười năm lịch sử biết bao nhiêu tình!

C.B.

----------

- Báo Nhân Dân, số 296, ngày 22-12-1954, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.197-198.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.