Thường người ta mừng Xuân với:
"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Nêu tre, pháo hồng, bánh chưng xanh".
Hoặc là mừng:
Trời thêm ngày tháng, người thêm tuổi.
Xuân chật càn khôn, phúc chật nhà.
Với nhiều người cách mạng độ 30 Xuân trở lên, mừng Xuân cũ có nhiều màu, nhiều vẻ:
Có người mừng Xuân trong trại giam, nhà tù.
Có người ăn Tết ở góc rừng, hang đá.
Có người hoạt động ở nước ngoài, thì
Xuân ơi, Xuân rất mặn mà,
Trông về cố quốc, biết là Xuân đâu?
Trong thời kỳ kháng chiến, thì mừng Xuân trước mặt trận hoặc trong vùng du kích.
Tôi nhớ một Xuân rất có thú vị, cách đây 13 năm: Gần Tết, tôi được phái lên P.B.[1] (Cao Bằng). P.B. là làng "cứ điểm" đầu tiên của ta. Mấy làng xung quanh mới có ít nhiều cơ sở. Ở đó, cán bộ đều "3 cùng". Đồng bào từ già đến trẻ đều biết "3 không"[2]. Cho nên dù quân lính Pháp, đặc vụ Nhật, mật thám ngụy ngày đêm đi lùng, cán bộ vẫn hoạt động được.
Gần P.B. phong cảnh rất đẹp: hai bên rừng cây xùm xòa. Giữa có suối nước chảy mạnh. Trên suối là "đại bản doanh" cách mạng. Gọi là nhà, thì không có nền. Gọi là thuyền, thì không có mui. Nhưng rất bí mật và rất tiện cho công việc.
Lúc tôi đến trụ sở, chỉ thấy có Bác, 3 cán bộ in báo và 1 em bé phụ trách tiếp tế. Trong nhà, thấy có 1 thùng gạo trộn ngô, 1 bát muối và một 1 chai ớt. Đó là lương thực dự bị để mừng Xuân.
Phong tục vùng đó hay kiêng. Vì vậy, để đồng bào ăn Tết, tối hôm 29, độ 20 cán bộ lần lượt trở về "đại bản doanh".
Sáng hôm 30 Tết, thấy em tiếp tế mang về 5 cái bánh chưng và 1 đùi thịt lợn. Chưa ai hiểu đầu đuôi thế nào, thì anh C gỡ một miếng giấy nhỏ dán trên một chiếc bánh chưng đưa Bác xem. Xem xong, Bác đọc cho chúng tôi nghe: Bức thư nói: "Anh em lo làm việc nước. Tết nhất xa cửa xa nhà. Chúng tôi gửi đến chút quà, biếu các đồng chí ăn Tết...".
Tối ngày 30, cái hang đá gần trụ sở đã đầy những quà. Nào bánh chưng, thịt lợn; nào gạo nếp, trứng gà... Mỗi quà đều kèm theo bức thư vắn tắt, đại ý như bức thư trên. Thư nào cũng không ký tên.
Đó là những thứ quà đồng bào bí mật biếu cho cán bộ ăn Tết. Bánh và thịt ăn mãi đến rằm chưa hết!
Cái Tết ấy chứng tỏ rằng đồng bào rất thương yêu cán bộ. Về sau, khi đội Quân giải phóng thành lập, cũng do đồng bào tự động nuôi dưỡng như con em ruột của mình.
Vì nghĩa cũ tình xưa, ngày nay mừng Xuân trong hòa bình, nhiều cán bộ và chiến sĩ thấm thía nhớ đến đồng bào Việt Bắc.
C.B.
---------
[1] Pác Bó (Cao Bằng) (BT).
[2] "3 không" là cách giữ bí mật, người lạ hỏi đều trả lời: Không nghe gì, không thấy gì, không biết gì (BT).
- Báo Nhân Dân, số 713, ngày 14-2-1956, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.269.