Văn hóa, trước ngày giải phóng, ở Trung Quốc cũng như ở nước ta, văn hóa chỉ dành riêng cho giai cấp có tiền. 95 phần trăm nông dân là mù chữ.

Ngày nay chính trị, tư tưởng, kỹ thuật của nông dân tiến bộ, thì văn hóa cũng phải phát triển theo.

Trước hết là xóa nạn mù chữ. Dù đã được giản đơn hóa, học chữ Trung Quốc vẫn khó gấp mấy học chữ quốc ngữ ta. Hiện nay có độ 60 triệu người xung phong dạy bình dân học vụ, phần lớn là thanh niên và học sinh. 160 huyện đã thanh toán xong nạn mù chữ.

1.070 huyện có trường tiểu học khắp các thôn.

16 tỉnh có trường đại học (130 trường).

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục, thì mấy tháng sắp tới, thôn nào cũng sẽ có trường tiểu học. Hương (như liên xã ta) nào cũng có trường sơ trung và trường trung học nông nghiệp. Các trường tiểu học sẽ dạy thêm khóa thủ công nghiệp và nông nghiệp. Các trường trung học dạy thêm những kỹ thuật căn bản về các ngành sản xuất.

Nhưng hiện nay, theo nguyên tắc nhiều, nhanh, tốt, rẻ, nhiều hương và huyện chẳng những đã có trường trung học, mà có cả trường đại học. Thí dụ:

- Hương Hòa Bình (gần Bắc Kinh), có sáu ban trung học nông nghiệp với 170 học sinh, vừa rồi mới lập thêm một trường đại học nông nghiệp dạy ban đêm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, trường đại học chỉ trù bị trong hai hôm là xong và không tốn một đồng tiền nào, không phải lợp một gian nhà nào.

Phòng lên lớp thì mượn nhà họp của các đoàn thể.

Hiệu trưởng do bí thư Đảng ủy kiêm.

Giáo sư là những cán bộ của Viện pháp chính và Trường công an trung ương hiện nay về lao động ở nông thôn. Dạy về nông nghiệp thì nhờ anh hùng và chiến sĩ nông nghiệp và các học sinh Trường đại học nông nghiệp trung ương đã có liên lạc với nông dân ở vùng đó.

Học sinh 200 người, đều là cán bộ các hợp tác xã nông nghiệp và cán bộ hương, có kinh nghiệm sản xuất và trình độ văn hóa sơ trung, cao trung. Có đồng chí ủy viên Đảng bộ, đã 59 tuổi và một chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, 44 tuổi cũng đến học.

Chương trình học: Triết học và kỹ thuật nông nghiệp. Mỗi tuần lên lớp ba tối.

Trường đại học nông nghiệp của huyện Từ Thủy (tỉnh Hà Bắc) có 160 học trò, chia làm hai ban, học bốn năm. Sau ngày học xong, huyện sẽ phân phối các học trò ban A vào công việc xây dựng hoặc nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Học trò ban B sẽ là giáo viên các trường trung học nông nghiệp trong huyện.

Học trò trường này là những giáo viên các trường tiểu học, những học sinh vừa tốt nghiệp ở Trường sư phạm huyện, và những cán bộ huyện có trình độ văn hóa khá và có kinh nghiệm sản xuất.

Họ học nửa ngày và lao động nửa ngày để tự cấp tự túc. Chín vị giáo viên đều là kiêm chức; sáu vị là giáo sư ở Viện nông nghiệp tỉnh và trung ương thường đến nghiên cứu nông nghiệp ở huyện; ba vị là chiến sĩ và anh hùng lao động. Các vị giáo sư đều không ăn lương.

Đảng ủy huyện phụ trách dạy chính trị.

Phó bí thư huyện ủy làm hiệu trưởng.

Cũng như phong trào lập nhà máy nhỏ, phong trào nông dân tự lập trường học lan tràn khắp nơi. Nhiều nơi như liên xã Nhạc Các Trang (Hà Bắc), chỉ trong năm ngày đã lập bốn trường kỹ thuật dạy ban đêm, và một trường trung học nông nghiệp mỗi tuần lễ học năm buổi, lao động bảy buổi.

Vệ sinh phòng bệnh - Cũng là một phong trào rất sôi nổi.

Trung ương đề ra khẩu hiệu: Tiêu diệt bốn thứ có hại (ruồi, muỗi, chuột và chim sẻ). Nông dân thêm vào: Tiêu diệt bảy thứ có hại (bốn thứ nói trên và rận, rệp, bọ chó). Họ không hề xin Chính phủ một đồng tiền hoặc một cân thuốc DDT.

Đồng thời, nông dân tự tổ chức rất nhiều nhà thương nhỏ. Thí dụ: chỉ chín huyện trong tỉnh Cam Túc đã có 590 nhà thương nhỏ. Nơi khám bệnh và nhà thương, họ mượn những nhà của dân hoặc của công không dùng đến, rồi dọn dẹp sạch sẽ, quét vôi trắng toát, thế là đủ.

Giám đốc do Chủ tịch hương và chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp - kiêm. Phó giám đốc thì cử một thầy thuốc khá nhất làm. Thầy thuốc là những đồng chí bộ đội phục viên biết nghề thuốc hoặc những ông lang địa phương.

Tiền mua thuốc và dụng cụ - do công quỹ hoặc hợp tác xã cho vay, nhà thương sẽ trả dần.

Lương của thầy thuốc - do hợp tác xã nông nghiệp bình công chấm điểm, và cuối năm sẽ được chia lãi; hoặc kết hợp tư tưởng với tình hình công tác mà định mức lương; hoặc định một số lương nhất định.

Người dân đến chữa bệnh trả một số tiền rất phải chăng.

Theo cách thức giản đơn đó, có nơi như huyện Thông Vĩ trong 20 hôm đã tổ chức 63 nhà thương nhỏ, 42 nhà đỡ đẻ, cộng tất cả có 257 giường.

Cam Túc là một tỉnh nhiều núi rừng, nhiều tật bệnh, nhiều mê tín. Nay nhờ có nhà thương nhỏ tổ chức khắp các thôn xã, mà đã có những thôn và những hợp tác xã nông nghiệp không có người ốm. Đồng thời nông dân đã hết mê tín, và đã tiến bộ nhiều về ý thức khoa học. Cho nên họ nói:

Cải cách ruộng đất, đào hết rễ nghèo,

Nhà thương trong xã, đào hết ốm đau,

Nhờ Đảng lãnh đạo, dân đã giàu lại kiện khang” (mạnh khỏe).

Tháng 1-1956 Trung ương Đảng đã ra bản dự thảo kế hoạch phát triển nông nghiệp. Toàn Đảng và toàn dân đã thảo luận sôi nổi và đã đề lên 1.891 ý kiến. Kế hoạch ấy dự định rằng nội trong 12 năm, tuỳ theo đất xấu hoặc đất tốt và tuỳ theo thứ trồng trọt, mỗi mẫu sẽ sản xuất:

Đất xấu

Đất tốt

Lương thực

1.000 kilô

2.000 kilô

Lạc

750 kilô

1.250 kilô

Bông

150 kilô

250 kilô

Nhưng hiện nay nhiều nơi đã vượt xa mức đã định. Năm nay, diện tích:

Phát triển thủy nông là 70.000.000 mẫu (mấy nghìn năm trước cho đến ngày giải phóng, thủy nông chỉ có 47.780.000 mẫu).

Cải thiện đất xấu thành đất tốt 28.000.000 mẫu.

Biến ruộng úng thành ruộng thường 40.000.000 mẫu.

Biến ruộng khô thành ruộng nước 13.400.000 mẫu.

Một mùa thành hai mùa 8.800.000 mẫu.

Trước không trồng lương thực, nay trồng lương thực 16.000.000 mẫu.

Trồng cây gây rừng 58.000.000 mẫu.

Nhờ chỉnh phong mà có tiến bộ nhảy vọt, cho nên kế hoạch 12 năm có thể hoàn thành trong năm hoặc sáu năm.

Đạt được kết quả tốt đẹp ấy là vì cố gắng của toàn Đảng kết hợp chặt chẽ với sự cố gắng của toàn dân, lực lượng Chính phủ kết hợp chặt chẽ với lực lượng của quần chúng.

Trong mọi công việc, bí thư các cấp ủy Đảng đều tự mình trực tiếp lãnh đạo thiết thực và chặt chẽ, đều nắm vững chính sách của Đảng và đi đúng đường lối quần chúng; đảng viên và đoàn viên thanh niên đều làm gương mẫu. Do đó mà mọi khó khăn đều khắc phục được và được dân phục, dân tin. Do đó mà động viên được lực lượng toàn thể nông dân để thực hiện cần kiệm xây dựng nước nhà tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Nông nghiệp Trung Quốc thu được kết quả to lớn như vậy, một là nhờ Đảng lãnh đạo sáng suốt và chặt chẽ; hai là dựa vào lực lượng to lớn và rộng khắp của hợp tác xã nông nghiệp. Như tôi đã nói ở trên: 98% nông hộ đã tổ chức vào hợp tác xã, 96% hợp tác xã là bậc cao. Nay họ lại tiến lên bước nữa: nhiều hợp tác xã nhỏ liên hợp lại thành những hợp tác xã to. Như ở Lô Huyện (Tứ Xuyên), hơn 3.000 hợp tác xã hạng vừa và hạng nhỏ đã theo nguyên tắc tự nguyện mà liên hợp lại thành 700 hợp tác xã to. Kết quả đầu tiên là trước kia còn 10% hợp tác xã bậc thấp, nay không có hợp tác xã bậc thấp nữa; vì người đông và nông cụ nhiều, cho nên sản lượng của các hợp tác xã đều tăng rất nhanh. Nói tóm lại: toàn Đảng, toàn dân làm thủy nông, tăng phân bón, cày sâu bừa kỹ (trước chỉ cày từ ba đến năm tấc, nay cày sâu một thước rưỡi), chọn giống tốt, và cấy dày hàng, kết quả là năm ngoái tăng gia 50.000.000 tấn lương thực, năm nay tăng gia 100.000.000 tấn.

Tổ đổi công là bước đầu để tiến lên hợp tác xã nông nghiệp. Đồng bào nông dân miền Bắc ta đã xây dựng khá nhiều tổ đổi công (và một số hợp tác xã nông nghiệp). Như thế là tốt. Nhưng tổ đổi công chưa được phổ biến và một số tổ đổi công còn non yếu, chỉ có tên mà chưa thật sự đổi công.

Chúng ta cần phải học một cách sáng tạo những kinh nghiệm tốt của Trung Quốc anh em. Tất cả các cấp bộ Đảng ta từ tỉnh đến xã cần phải hết sức chú trọng củng cố những tổ đổi công đã có, xây dựng tổ đổi công mới cho tốt và khắp các xã. Cố nhiên phải theo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự giác của nông dân, tuyệt đối tránh quan liêu, mệnh lệnh.

Những tổ đổi công thật tốt, thật vững, thì tiến lên thành hợp tác xã nông nghiệp.

Công tác này phải thiết thực và khẩn trương nhưng không tham nhiều và nóng vội.

Xây dựng rộng khắp tổ đổi công tốt và hợp tác xã tốt, thì sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của nước ta, và nông dân ta sẽ thêm no cơm, ấm áo.

So sánh sản lượng giữa ruộng Trung Quốc với ruộng Việt Nam ta thì thấy:

- Ruộng thí nghiệm Miếu Nan Hưng (Hồ Bắc) một mẫu tây sản xuất 41 tấn 2 kilô.

- Ruộng thí nghiệm của tổ đổi công đồng chí Trần Văn Tắc (xã Ngọc Sơn, Hải Dương) sản xuất 6 tấn 21 kilô.

Thế là chỉ một phần bảy của Miếu Nan Hưng.

- Xã Hiệp An (Hải Dương) thách các xã khác thi đua sản xuất mỗi mẫu 3 tấn 600 kilô thóc, thế là chỉ non một phần mười một của Miếu Nan Hưng. Tuy vậy, nếu đồng bào nông dân các nơi đều cố gắng thi đua với đồng bào Hiệp An, thì vụ mùa của miền Bắc sẽ được hơn năm triệu tấn, tức là nhiều hơn sản lượng cả vụ chiêm và vụ mùa hiện nay cộng lại (độ 4 triệu 15 vạn tấn). Tôi rất mong đồng bào nông dân toàn miền Bắc đều hăng hái nhận lời thách của đồng bào Hiệp An và đồng bào Hiệp An thì cố gắng tiến lên nữa để theo kịp anh em nông dân Trung Quốc.

Nói tóm lại: Muốn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì phải tăng gia sản xuất, trước hết là sản xuất lương thực. Và muốn tăng gia sản xuất thì phải:

Thi đua làm nhiều thủy nông,

Dùng nhiều phân bón, là công việc đầu.

Ba là cuốc bẫm, cày sâu,

Bốn chọn giống tốt, năm lo cấy dày.

Sáu là kỹ thuật đổi thay,

Toàn dân, toàn Đảng ra tay cùng làm.

TRẦN LỰC

------------------------------

- Báo Nhân Dân, số 1577, ngày 7-7-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.447-453.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.