Liên Xô đã thành công rực rỡ trong việc con tàu vũ trụ, do đồng chí Gagarin lái bay quanh quả đất, rồi lại bình an bay trở về. Trước thành công vĩ đại ấy, thiên hạ ai cũng vui mừng. Nhưng có một nhóm người Mỹ, đứng đầu là tổng Ken thì lại buồn và “mệt”.

Trong một cuộc họp với các nhà báo Mỹ (15-4-1961), một phóng viên đặt câu hỏi:

Trong kỹ thuật nghiên cứu vũ trụ, Mỹ cứ thụt lại sau Liên Xô, điều đó làm cho ông nghị nọ “mệt” lắm. Vậy thì Mỹ có hay là không có hy vọng đuổi kịp và vượt quá Liên Xô?

Tổng Ken trả lời: Trong tình trạng thua kém đó, không ai “mệt” bằng ông ta. “Người Mỹ chúng ta phải thừa nhận rằng so với Liên Xô thì Mỹ lạc hậu thật. Và sự thật đó còn kéo dài trong một thời gian, vì Mỹ không có những tên lửa to để bảo đảm sức đẩy mạnh như tên lửa của Liên Xô… Trước khi chuyển biến khá hơn, tình trạng còn xấu đi hơn nữa… Còn phải mất một thời gian, Mỹ mới đuổi kịp Liên Xô…”.

Một phóng viên khác hỏi:

Về tất cả mọi việc, kể cả việc chinh phục vũ trụ, chế độ cộng sản đã tỏ ra bền vững hơn, và đã buộc các nước tư bản ở vào thế bị động. Phải chăng đó là một “nguy cơ”?

Câu hỏi này làm cho tổng Ken lúng túng, chỉ nói một cách quanh co, chứ không trả lời rõ rệt.

Về vấn đề chinh phục vũ trụ, các chuyên gia Mỹ đều nói rằng Mỹ làm “chậm quá, ít quá”. Và họ nêu vài chứng thực như sau:

Sức đẩy của tên lửa để đưa con tàu vũ trụ vào quỹ đạo - của Liên Xô là 400 tấn, của Mỹ chỉ 40 đến 180 tấn.

Phòng kín của con tàu “Phương Đông” (Liên Xô) nặng 5 tấn, của “Sao Thủy” (Mỹ) chỉ nặng 1 tấn,…

Các thủ lĩnh “hội hàng không vũ trụ” Mỹ nói: “Hội này đã cố gắng tột bực rồi, nhưng kết quả chỉ được như vậy thôi, vì không đủ tiền!”.

Sự thật đã buộc Mỹ thừa nhận Mỹ thua Liên Xô. Đó là điểm quan trọng, nổi bật. Cuộc bay thắng lợi của con tàu “Phương Đông”, và những lời thú nhận của các thủ lĩnh Mỹ, lại một lần nữa chứng tỏ rằng: Chế độ xã hội chủ nghĩa hơn hẳn chế độ tư bản chủ nghĩa.

T. L.

------------------

Báo Nhân Dân, số 2585, ngày 18-4-1961, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.