Trước kia, một tay cầm bom nguyên tử đe dọa, một tay cầm đồng đô-la để mua chuộc, Mỹ nói gì là chính phủ các nước (ngoài phe xã hội chủ nghĩa) đều phăng phắc vâng lời.

Nay thì trái lại: Từ Đông đến Tây, từ nhỏ đến lớn, ở nhiều nước đã nổi lên phong trào chống và cãi lại Mỹ. Vài thí dụ:

- Ở Phi Luật Tân: Hôm 27-3-1956, ông Thị trưởng Thủ đô Phi Luật Tân gọi quân đội Mỹ đóng ở đó là “quân đội chiếm đóng”. Một đại biểu Quốc hội nói: “Viện trợ Mỹ chỉ nhằm mục đích ích kỷ, phục vụ cho quyền lợi Mỹ”. Viên giám đốc trường Đại học phương Đông nói: “Những điều lệ buôn bán của Mỹ bắt Phi Luật Tân theo, là những xiềng xích nô lệ kinh tế”. Báo Tin tức Ma-ni (29-3) viết: “Các chính khách Mỹ tưởng rằng Phi Luật Tân là bù nhìn của chúng”.

- Ở Cao Miên: Báo Cao Miên viết: “Về kinh tế, thì Mỹ “giúp” Miên những thứ hàng không tốt và đã ế, mục đích là nhằm giải quyết khủng hoảng kinh tế của Mỹ và bóp chẹt kinh tế của Miên”. Hoàng thân Xi-ha-núc nói: “Mỹ chỉ “giúp” chính phủ nước nào ngoan ngoãn vâng lời Mỹ, thi hành những điều kiện do Mỹ đặt ra… Mỹ đã gây cho Miên nhiều khó khăn… Tôi không thể cộng tác với Mỹ…”

- Ở Xây Lan: Thủ tướng mới của Xây Lan nói: “Đô-la Mỹ không thể mua chuộc lòng tự trọng của nhân dân Xây Lan”.

- Ở Ấn Độ: Toàn dân Ấn kịch liệt chống khối xâm lược Đông Nam Á do Mỹ cầm đầu, chống Mỹ can thiệp vào vấn đề Goa và Ca-sơ-nia. Họ cũng chống Mỹ xúi giục bọn Diệm phá hoại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

- Ở Ê-gyp: Thủ tướng Ê-gyp nói: “Liên Xô luôn luôn ủng hộ phong trào dân tộc của Ê-gyp. Mỹ thì ủng hộ thực dân Pháp và Anh. Mỹ tuyên truyền nói xấu Liên Xô, nhưng ở đây không ai nghe họ”.

- Ở Ai-slan [1]: Ai-slan là một nước cỏn con ở phía Bắc châu Âu, gần Bắc cực. Từ năm 1951, Mỹ lập trường bay và đóng quân ở đó. Đầu tháng 4 này, Quốc hội Ai-slan đòi quân đội Mỹ phải “Gô hôm” (cút đi).

- Ở Pháp: Đã 10 năm nay, các chính phủ Pháp đều thân Mỹ, sợ Mỹ. Lần đầu tiên, Thủ tướng Ghi Mô-lê dám nói thẳng với Mỹ: Đối với Liên Xô, với nước Đức, và với vấn đề tài giảm binh bị, chính sách Mỹ đều sai lầm. Liên Xô không muốn chiến tranh. Người Mỹ không hiểu biết tình hình châu Âu, cũng như người Pháp chỉ biết rằng người Mỹ da trắng thường tàn sát người Mỹ da đen. “Viện trợ” Mỹ chỉ làm cho người ta thêm oán Mỹ, vì cán bộ Mỹ láo xược và vì Mỹ kèm theo những điều kiện chính trị và kinh tế. Ở châu Âu cũng như ở nơi khác, mỗi một lần Mỹ “cho quà”, là một lần làm cho người ta thêm ghét Mỹ…

- Ở các nước khác: Mà không ghét sao được? Vì Mỹ ủng hộ những kẻ thay thầy đổi chủ, bán nước buôn nòi, những kẻ bị nhân dân phỉ nhổ như bọn Lý Thừa Vãn, Tưởng Giới Thạch, Ngô Đình Diệm. Mỹ xúi giục chúng chia rẽ đất nước, phá hoại hòa bình, biến xứ sở mình thành thuộc địa của Mỹ.

Một điều nữa rất quan trọng: Mỹ thường đe dọa chiến tranh nguyên tử. Trong lễ Nô-en năm ngoái và lễ Phục sinh năm nay, Đức Giáo hoàng đã thiết tha kêu gọi nhân dân thế giới chống chiến tranh nguyên tử.

Kết luận: Do những sự thật đó, nhiều chính khách, báo chí, và hãng thông tin Mỹ đã lo ngại. Như hãng U.P. (30-3-1956) đã phải nhận rằng: “So với mười năm trước… thì ngày nay địa vị của Mỹ… đang đi xuống dốc”.

C.B.

---------

[1] Aislan: Iceland (B.T).

Báo Nhân Dân, số 779, ngày 21-4-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.