Dạo này đế quốc Mỹ rất nhộn nhịp với cái món hoạt động “hòa bình”. Chúng hòng dùng nó như một cái màn khói để che giấu âm mưu của chúng mở rộng chiến tranh. Nhưng sự thật đã lật tẩy mưu gian của chúng. Sự thật có nhiều, sau đây là vài ví dụ:

- Tháng 3-1965, ở miền Nam có độ 31.600 tên lính Mỹ. Từ tháng 4-1965, tổng Giôn bắt đầu quảng cáo cái món “đàm phán không điều kiện” thì số quân đội Mỹ sang miền Nam ồ ạt tăng thêm:

Tháng 5- 48.580 tên.

Tháng 7- 79.600 tên.

Tháng 10- 148.000 tên.

Tháng 12- 184.000 tên.

Cách tìm hoà bình kiểu Mỹ là như thế đó.

- Tổng Giôn yêu chuộng "hòa bình”. Tối nào y cũng đọc kinh cầu nguyện cho hoà bình. Nhưng đọc kinh xong, y liền trắng trợn tuyên bố: “Mỹ quyết không rời khỏi Nam Việt Nam” (tháng 4-1965); “Mỹ quyết theo đuổi những cố gắng chiến tranh ở Nam Việt Nam. Cần thêm bao nhiêu lính Mỹ, sẽ có bấy nhiêu” (8-12-1965).

Những tên tai to mặt lớn trong Chính phủ Mỹ đều nói theo kiểu đó.

- Văn thần như Phó Tổng thống Hâmphrây, đại sứ Hariman, cố vấn Bânđi, đặc phái viên Gônbớc, v.v., được phái đi gặp chính phủ nhiều nước ở năm châu để bày tỏ “thiện ý” của Mỹ sẵn sàng “đàm phán hoà bình”.

Cũng trong lúc đó, thì các võ tướng đầu sỏ và cuồng chiến như: Bộ trưởng lục quân Rido, Bộ trưởng không quân Brao, Tham mưu trưởng lục quân Giônxơn, Chủ tịch Hội đồng tham mưu Uylơ, v.v., kéo nhau đến miền Nam để chuẩn bị kế hoạch mở rộng chiến tranh. Uylơ còn đe dọa dùng máy bay B.52 ném bom miền Bắc.

Hôm 28-12-1965, chúng đưa thêm vào 4.000 lính bộ binh Mỹ chiếm đóng Plâycu.

Chúng dùng máy bay phun thuốc độc với quy mô lớn để giết hại nhân dân, phá hoại mùa màng miền Nam.

Ném bom, bắn phá miền Bắc là một tội ác tày trời. Nay chúng dùng việc tạm ngừng ném bom, hòng ép ta nhận những điều kiện láo xược của chúng. Tờ báo Phố Uôn của đại tư bản Mỹ đã để lộ: “Tạm ngừng ném bom, phái thêm quân đội, hoạt động ngoại giao - đó là diệu kế của Tổng thống Giônxơn”.

Đế quốc Mỹ dùng thủ đoạn xỏ lá đó, vừa để che đậy âm mưu mở rộng chiến tranh, vừa làm ra vẻ chúng muốn hoà bình để đổ lỗi cho ta là hiếu chiến, vừa hòng xoa dịu dư luận thế giới và trong nước Mỹ đang kịch liệt lên án chúng. Nhưng âm mưu của chúng đã thất bại. Chính nhân dân Mỹ cũng đang đẩy mạnh phong trào chống chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Một ví dụ:

Ngày 4-1-1966, hơn 1.500 giáo sư Mỹ đã đăng báo đòi tổng Giôn:

- Phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược dã man và tội ác.

- Phải đàm phán với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

- Phải chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, v.v..

Tổng Giôn nói y đi tìm "hòa bình” khắp nơi. Thật rõ ngu ngốc! Đế quốc Mỹ xâm lược Nam Việt Nam và “leo thang” miền Bắc. Chúng tự động cút khỏi Việt Nam một cách có thể diện, thì hòa bình trở lại ngay, cần gì phải đi tìm. Nếu chúng chần chừ không tự động cút đi, thì nhân dân cả nước ta đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu, nhất định sẽ tống cổ chúng đi.

Do you understand, Zoon? [1]

CHIẾN SĨ

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 4296, ngày 8-1-1966, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.10-12.


1. Có hiểu không, Giôn? (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.