Chữ "mỹ" nghĩa là tốt đẹp. Nhưng xã hội Mỹ thì không tốt đẹp chút nào. Chính các tổng thống Mỹ đã phải thú nhận điều đó.

Cuối tháng 11-1961, mồ ma tổng Ken đã nói:

"Từ năm 1955 đến năm 1961, thu nhập của nông dân giảm sút 25%.

Hơn 100 địa phương nghèo (ở Mỹ có những "khu kinh tế kém sút"; 18 khu lớn, 103 khu vừa, 454 khu nhỏ), rất nhiều công nhân, nông dân và trí thức thất nghiệp.

Có 5 triệu rưỡi công nhân thất nghiệp hoàn toàn và 2 triệu 60 vạn người mỗi năm thất nghiệp tám tháng.

Giá sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Hơn 17 triệu người tối đi ngủ với cái bụng đói meo.

25 triệu người Mỹ sống trong những cái nhà như ổ chuột.

Hơn 2 triệu trẻ con không được đi học vì thiếu nhà trường. Một phần ba sinh viên không thể theo học hết lớp, vì nhà nghèo túng. Số trẻ con phạm tội ngày càng thêm nhiều...".

Trước tổng Ken, tổng Ai đã nói như vậy.

Trước tổng Ai, tổng Tuma cũng nói như vậy. Sau tổng Ken, tổng Giôn lại nói như vậy. Hôm 27-4-1964, tổng Giôn nói: "Mỹ phải ra sức hành động mới tránh khỏi một sự tan rã vì tình trạng đói nghèo, tật bệnh, trường học lụp xụp, nhà như ổ chuột. Tình trạng ngày càng nhiều người Mỹ lâm vào cảnh nghèo nàn đang trở nên một gánh nặng đè lên vai Nhà nước...".

Sau đây là vài điều trích từ báo chí Hoa Kỳ để nói rõ thêm lời than phiền của các tổng Mỹ.

- Công nhân, nông dân. Mỹ có rất nhiều lương thực thừa, nhưng 56% gia đình công nhân và nông dân bị thiếu ăn.

Độ 50 triệu người Mỹ sống dưới mức thấp nhất: ăn không no, đói không chết, ốm không thuốc men, nhà ở lụp xụp, không được học hành. Người ta gọi họ là một nước Mỹ khác.

Ngay ở giữa Nữu Ước là một thành phố giàu sang nhất với những lâu đài "chọc trời" cao hơn 70, 80 tầng, vẫn có hơn 36 vạn dân nghèo xơ xác mà người ta gọi là "thây sống". Ở các thành phố to, để tìm việc làm, những công nhân không lành nghề hằng ngày tụ họp lại những nơi nhất định mà người ta gọi là chợ bán nô lệ.

13 triệu người già cả sống một cách bơ vơ cực khổ.

- Học sinh, thanh niên. Một cuộc kiểm tra 16.500 trường tư và 108.000 trường công cho thấy rằng 25% học trò đần độn và thiếu sức khỏe.

Bộ Lao động Mỹ báo cáo rằng: "Hiện nay trong số thanh niên dưới 20 tuổi có 17% bị thất nghiệp. Và trong mười năm tới sẽ có 20 triệu thanh niên không có công ăn việc làm. Việc đó sẽ thành một vấn đề nguy hiểm nhất trong lịch sử nước Mỹ".

- Bệnh hoạn xã hội. Vì gái đĩ ngày càng nhiều, hiện nay ở Mỹ có hơn 9 triệu người mắc bệnh giang mai, tức là cứ 1 vạn người thì có 500 người mắc bệnh. Trong số đó thanh niên từ 15 đến 24 tuổi chiếm hơn 53%.

Hơn 5 triệu người Mỹ mắc bệnh thần kinh.

Chỉ trong một năm 1962, ở thành phố Nữu Ước đã có 5 vạn vụ phạm tội, trong đó 507 vụ giết người, 882 vụ hiếp dâm, 41.478 vụ trộm cướp, v.v..

- Những sự ngược đời. Trong lúc hàng chục triệu người dân Mỹ ở trong tình trạng khốn khổ như vậy, thì bọn tư bản kếch sù Mỹ lại sống xa xỉ một cách không thể tưởng tượng. Thí dụ: Tờ Tin tức hằng tuần viết: Trong năm 1963 bọn nhà giàu Mỹ đã tiêu cho mèo và chó "yêu" của chúng hơn 3.000 triệu đôla. Chó và mèo của chúng có người hầu hạ, có thức ăn đặc biệt tẩm bổ, có áo sang trọng đắt tiền, có vòng đeo bằng châu báu, có xe hơi và phòng ở riêng, có lớp huấn luyện lễ phép, v.v..

Kỳ quái hơn nữa: Để mua chuộc lòng dân trong cuộc tuyển cử tổng thống sắp tới, hồi tháng Tư năm nay, tổng Giôn đã mở một "chiến dịch đánh lùi nghèo khổ". Y trích 300 triệu đôla cho việc này. Nếu chia số tiền đó cho 50 triệu người Mỹ nghèo khổ, thì mỗi người một năm được 6 đôla (một tháng được 5 hào). Trong khi đó mỗi tháng Mỹ tiêu 1 triệu 50 vạn đôla trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam.

Bộ mặt thật của Mỹ là như vậy đó.

CHIẾN SĨ

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3712, ngày 29-5-1964, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.333-335.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.